100 năm L'OFFICIEL: Tập hồ sơ 16 nhà thiết kế tài năng toàn cầu của L'OFFICIEL
Trong một thế kỷ qua, L’OFFICIEL đã và đang thực hiện sứ mệnh ghi chép những sự kiện nổi bật nhất đến từ thời trang, nghệ thuật, văn hoá, song song với nỗ lực không ngừng tìm kiếm những tiềm năng sáng giá trong đa dạng các lĩnh vực sáng tạo nói chung. Hợp tác với những người bạn đồng hành đến từ khắp nơi trên thế giới, L’OFFICIEL Paris gửi gắm tới bạn đọc “A dossier” – một tập hồ sơ chi tiết bao gồm thông tin của 16 NTK thời trang bạn không nên bỏ qua, chúng ta có những đại diện từ New York cho tới Vienna, Marrakesh, Seoul và rất nhiều quốc gia khác.
Mặc dù khác nhau về quốc tịch hay nền tảng văn hoá, những NTK góp mặt đều là những cá nhân chăm chỉ và cũng vô cùng khéo léo, đặc biệt, họ trẻ trung, tràn đầy năng lượng sáng tạo và bước đi trên con đường thời trang đang trên đà phát triển thuận lợi. Mỗi người đều sở hữu bản sắc cá nhân độc đáo được “ươm mầm” bằng chính văn hoá và những nét đẹp đến từ quốc gia họ thuộc về. Bên cạnh đó, trong một môi trường thời trang không tuyến tính và mong muốn tự do hội nhập, những NTK này giới thiệu tới chúng ta loạt sáng tạo “bẻ cong” đồng thời thách thức những xu hướng chung. Tuy nhiên, không vì vậy mà đánh mất đi những phẩm chất bao gồm ý thức đề cao nguyên tắc đạo đức thời trang cơ bản, sự hoà nhập, sự tiến hoá và tinh thần nghiêm túc.
Gia Studios, Việt Nam
Lưu giữ những chi tiết trang phục tối giản và bền vững với thời gian trong thiết kế của mình, Lâm Gia Khang thành lập thương hiệu Gia Studios đang hoạt động với doanh thu rất tốt ở thời điểm hiện tại. Là một trong những nhân vật xuất hiện trong danh sách “30 Under 30” của tạp chí Forbes Việt Nam, những sáng tạo đến từ NTK tôn vinh sự đối lập, kết hợp với bảng màu trung tính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “lưu giữ” thời gian. Gam màu dịu nhẹ cũng góp phần nâng đỡ những ý tưởng táo bạo thách thức đặc trưng “minimalist” của thương hiệu. Bên cạnh đó, Gia Studios cũng rất thành công trong nỗ lực kết hợp các chi tiết đến từ phục trang truyền thống vào sáng tạo thời trang đương đại.
Conner Ives, Mỹ
Gói gọn ý tưởng về “American Dream” (Giấc mơ Mỹ) trong BST cùng tên, ít ai ngờ rằng, BST này cũng chính là “đồ án” tốt nghiệp của Ives, khép lại quãng thời gian sinh viên tại học viện Central Saint Martins danh tiếng. Nguồn cảm hứng cho BST đến từ chính những người phụ nữ xung quanh Conner và quá trình trưởng thành của anh, tại thị trấn Bedford, New York. Từ những chiếc đầm được đặt tên riêng như “The L.A Crystal Girl” cho tới “The Valedictorian”, tất cả đều là những nguyên mẫu của hình ảnh thời trang nước Mỹ những năm 2010. Bên cạnh đó, NTK tái sử dụng nguồn vải dư và quần áo cũ trong BST của mình thông qua quá trình “Reconstituting” (hoàn nguyên) cùng một tinh thần của thế hệ Z quan tâm tới những vấn đề bền vững.
Cassey Gan, Malaysia
Kỹ sư hoá học rẽ sang thời trang đến từ Malaysia chắc chẳn không phải một người làm sáng tạo thông thường. Sau khi nhận ra niềm đam mê của mình với ngành công nghiệp thời trang, Cassey theo học tại London College of Fashion trước khi tự bắt đầu một thương hiệu của bản thân vào năm 2014. Tập trung vào những hình in thú vị và một bảng màu đậm, Cassey Gan muốn cổ vũ những người mặc trang phục của mình thể hiện bản thân và trước hết, sống là chính mình. Nguồn cảm hứng chính của NTK trẻ đến từ nền ẩm thực truyền thống của Malaysia. Từ màu sắc, nguyên liệu cho tới những câu chuyện “dệt” nên truyền thống trong mỗi bữa ăn gia đình cơ bản.
Nous Étudions, Argentina
Romina Cardillo không phải một gương mặt mới trong thế giới thời trang rộng lớn. Sau một quãng thời gian dài làm việc với nhà xưởng sản xuất vải của gia đình, việc Cardillo tự mở một thương hiệu thời trang với dự án thời trang nam – Grupo 134 vào năm 2007 là một hệ quả dễ đoán. Sau này, khi Nous Étudions ra đời, chúng ta được gặp lại Cardillo trong một diện mạo mới mẻ hơn, thiết kế những items linh hoạt giới tính và dành sự quan tâm của mình cho mục tiêu phát triển bền vững. Sự ra đời của Nous Étudions mang tới cho NTK trẻ cơ hội hợp tác với Nike và mang thương hiệu đến với sân chơi quốc tế mà nổi bật nhất, chính là đưa cái tên Romina Cardillo vào danh sách những ứng cử viên lọt vào vòng bán kết của giải thưởng LVMH năm 2020.
EENK, Hàn Quốc
Được thành lập bởi NTK Hyemee Lee, BST Thu Đông 2021 đến từ EENK với tên gọi “T for Temptation” khám phá phom dáng cổ điển của đầm tiệc, chi tiết eo thắt siêu chặt và những chiếc cổ áo thời Victoria. Giống như thành phố Seoul, nới tất cả mọi thứ bắt đầu với Hyemee Lee, thương hiệu trẻ tồn tại vượt lên trên những giới hạn cũ của thời trang. Khi chia sẻ về nguồn cảm hứng cho những BST của mình, Hyemee Lee chọn ngay Seoul để bắt đầu: “Tại Seoul, thời trang cao cấp và thời trang đường phố có mối quan hệ gắn bó. Người trẻ ở đây xây dựng phong cách của chính mình mà không hề ngần ngại trộn lẫn những giá trị đến từ cả hai lĩnh vực thời trang kể trên”.
Carl Jan Cruz, Phillipines
Carl Jan Cruz, hay CJ đối với bạn bè và gia đình của NTK trẻ, tự miêu tả những sáng tạo của mình bằng những tính từ như “trung thực” và “thân mật”. Luôn luôn bị thu hút bởi thời trang, Cruz chọn tham gia vào ngành công nghiệp này từ khi còn rất nhỏ và với điều kiện gia đình khá giả, CJ di chuyển liên tục giữa New York và Manila để hiện thực hoá ước mơ thời trang của mình. Bên cạnh đó, Phillipines đã luôn tồn tại như nguồn cảm hứng của Carl, giúp anh “xây dựng” những thiết kế hoà quyện giữa di sản và trải nghiệm văn hoá cá nhân.
KSENIASCHNAIDER, Ukraine
Đằng sau cái tên “khó đọc” KSENIASCHNAIDER là hai bộ óc thiết kế riêng biệt, Ksenia và Anton Schnaider. Tập trung vào mục đích làm mờ đi danh giới giữa phục trang sang trọng và “daily wear”, hai cá nhân tạo nên một bộ đôi hoàn hảo và bắt đầu nổi tiếng từ năm 2016, sau khi cho ra mắt thiết kế “demi-denim shorts”. Lấy cảm hứng từ chiếc quần đùi ngắn của ba thời cựu quốc gia Liên Xô (Soviet Union) vẫn còn tồn tại, Ksenia chia sẻ “Ba tôi yêu thích và gìn giữ những chiếc quần của ông như thể chúng là những món hàng xa xỉ, thâm chí ông chia sẻ trang phục của mình với mẹ, tôi nghĩ chính những khoảnh khắc như vậy đã gây dựng nên tình yêu của bản thân với chất liệu denim giàu tính ứng dụng này”.
Guido Vera, Chile
“Kẻ du muc” Guido Vera là một NTK của những item tối giản “with a twist”, nhưng nếu dùng tính từ “đơn giản” để miêu tả những thiết kế đến từ thương hiệu này, bạn đã hoàn toàn sai. Tham khảo và yêu thích phong cách sống của dân du mục cũng như bị ảnh hưởng bởi tuổi thơ tại Patagonia, Vera cung cấp những ý tưởng “tươi mới” về thời trang đường phố Chile trong khi vẫn giữ nguyên tinh thần đặt lợi ích của hành tinh xanh lên trước hết thông qua việc hoà trộn sợi bông Peruvian với những chất liệu tái chế và vải dư từ quá trình sản xuất.
Said Mahrouf, Morocco
Một nhà thiết kế chịu ảnh hưởng không nhỏ từ văn hoá Morocco, từ thời sơ khai cho tới tận hiện tại với những phát triển không ngừng về kỹ thuật và công nghệ. Được sinh ra tại Morocco và lớn lên dưới sự “bảo hộ” của thành phố Amsterdam, Said Mahrouf thiết kế với quan điểm về vẻ đẹp phụ nữ trường tồn qua những đường cắt thẳng và phom dáng “timeless”, qua đó, Mahrouf chưa từng nhấn mạnh đường cong cơ thể hay cho ra mắt những sản phẩm với hơi hướng quyến rũ. Cùng mối quan hệ thân thiết với khách hàng (chủ yếu là phụ nữ thượng lưu), Mahrouf làm những chiếc đầm đặt riêng với kỹ thuật cổ điển đồng thời áp dụng phương pháp thủ công truyền thống mà tới tận ngày nay, vẫn được lưu giữ tại Casablanca – nơi Mahrouf chọn để xây dựng showroom của mình.
Petar Petrov, Úc
Petar Petrov là cái tên sẽ cung cấp cho bạn những thiết kế với khả năng “khiêu khích” cảm xúc, nhưng đồng thời vẫn rất tinh tế và dễ ứng dụng. Sáng tạo đến từ đại diện nước Úc là sự cân bằng giữa những dường cắt gọn gàng, phom dáng hình hộp và chất liệu vải xa hoa. Như vậy, ta không nghi ngờ gì khi người hâm mộ của Petar Petrov là những cái tên nổi tiếng của nước Úc. Petar tìm kiếm nguồn cảm hứng từ tất cả những gì xảy ra xung quanh cuộc sống tại Vienna, qua đó, taọ nên những trang phục với sự chu đáo, đa dạng, tỉ mỉ và rất phù hợp với chủ thể phụ nữ hiện đại.
Dawei, Trung Quốc
Nếu thời trang là một phương pháp thể hiện bản thân qua quần áo và phong cách, vậy việc mặc đồng phục chắc hẳn là điều ngược lại, đi ngược với “mục đích” của thời trang. Đối với Dawei, những trải nghiệm đầu tiên NTK trẻ có với thời trang lại đến từ chính những bộ đông phục quân ngũ. “Con người có nhu cầu được thể hiện sự khác biệt của bản thân, dù tủ đồ của họ có đa dạng hay không” Dawei chia sẻ. Với cơ hội làm việc và học tập tại Balenciaga trước khi khởi động thương hiệu của riêng mình, NTK làm việc với phương châm rất thú vị “thiết kế thời trang tính nữ với những trang phục luôn duyên dáng, ngay cả khi ‘she needs to run’”.
MCouture, Latvia
Julia Malahova, người sáng lập thương hiệu MCoutured chắc hẳn là một trong những cá nhân đã phát triển thành công sở thích của bản thân thành sự nghiệp. Sau khi tình cờ “falling in love” với chiếc túi xách Lady Dior làm từ denim 20 năm về trước, NTK trẻ ở thời điểm hiện tại, là gương mặt sáng giá khi càn quét giải thưởng thời trang Latvian Fashion and Style Awards khi xuất sắc giành được vị trí NTK của năm, màn ra mắt của năm, show thời trang của năm và “concept store” của năm. Được truyền cảm hứng từ người cha – một thợ may làm việc trong ngạch hàng cao cấp, Malahova đã lớn lên với quan điểm làm thời trang và không ngần ngại “bẻ gãy” hệ thống luật lệ, qua đó, những BST đầy mê hoặc của MCouture dường như thoát hẳn ra khỏi những tưởng tượng về thời trang mà số đông vẫn “tôn thờ”.
Juozas Statkevicius, Lithuania
Juozas Statkevicius là một gương mặt trẻ với bản lí lịch vô cùng ấn tượng: Statkevicius đã có 3 cuốn sách được xuất bản, ra mắt rất nhiều sản phẩm nước hoa, thiết kế phục trang sân khấu và mang những trang phục của mình đến với những tên tuổi lớn như Naomi Watts, Nicole Richie và Björk. “Bảo tồn” những di sản thời trang đến từ Lithuania truyền thống, Juozas Statkevicius khẳng định răng: “không có lịch sử và quá khứ đồng nghĩa với không có tương lai”.
Casablanca, Pháp
Cái tên chắc hẳn đã rất quen thuộc với bạn đọc, Charaf Tajer mang niềm yêu thích của bản thân đối với kiến trúc và trang phục thường ngày đến với thương hiệu cá nhân Casablanca. Những sáng tạo mới nhất đến từ Tajer như vậy, được truyền cảm hứng bởi phong trào thiết kế “Memphis” của thập niên 80 kết hợp với thẩm mỹ thời trang những năm 90 đến từ Tokyo, một sự tương phản tươi vui trong khung cảnh địa phương, làng mạc nước Pháp ngập nắng.
Aluf, Brazil
Ana Luisa Fernandes, nhà thiết kế đằng sau thương hiệu Aluf đang làm việc với tinh thần và mục tiêu sáng tạo vượt lên những giới hạn của quần áo thông thường. Với mục đích giao tiếp cũng như kết nối những trải nghiệm bền vững của bản thân vào BST, những thiết kế của Aluf có lẽ sẽ phù hợp hơn khi được gọi là “những tác phẩm nghệ thuật có mục đích”. Như vậy, thời trang Aluf là kết quả của quá trình “creative thinking” cùng những yếu tố bổ trợ như giải đáp các thắc mắc bất chợt hay tìm hiểu cảm xúc của thiết kế. Hoặc ngắn gọn hơn, như chính Fernandes chia sẻ, sản phẩm Aluf là một “vũ trụ trìu tượng của sự vô thức”.
Andrea Adamo, Ý
Tự đặt cho bản thân nhiệm vụ thể hiện người mặc thông qua thiết kế, những bộ đồ “second skin” đến từ Andrea được đánh giá là loạt sáng tạo rất linh động và cũng rất tự do. Và với mục đích tạo nên “tấm da thứ hai”, bảng màu nude luôn là những gam chủ đạo trong thiết kế đến từ Andrea Adamo. Mặc dù thương hiệu được hình thành trong quãng thời gian khó khăn của đại dịch, doanh thu Andrea nhận được lại vô cùng khả quan. Tiếp tục những thành công sẵn có, BST mới “Metamorfosi” (Sự biến hình) thể hiện ý tưởng về sự thay đổi và những huyền thoại đi kèm, phát triển, đổi mới nhưng không thay thế cái tôi và bản chất ban đầu.