Nhạc Tết, từ Mỹ Linh đến Đen Vâu: Vàng son thời đại trên những nốt nhạc vui
Ký ức của từng thời đại in hằn rõ trên những tác phẩm âm nhạc. Song song với dòng chảy âm nhạc thập niên 90, một tinh thần hoàn toàn mới được thổi vào playlist nhạc Tết những năm gần đây. Đó là nhạc rap, nhạc R&B năng động, vui vẻ.
Tết Ta là một tên gọi thân thương với mỗi người Việt Nam, dùng để chỉ Tết Nguyên Đán - ngày lễ lớn nhất của người Việt. Không gian của Tết chẳng thể thiếu đi âm nhạc, vốn là để mọi người đến gần nhau hơn, tạo những khoảng trời đồng điệu với nhau hơn. Khi bài hát “Happy New Year" được bật lên, già trẻ lớn bé đều có thể nhẩm theo giai điệu, sống cùng nhau trong giây phút giao hoà đó.
Ở Việt Nam, cứ nhắc tới ca sĩ Mỹ Linh là người ta cảm thấy “hơi thở mùa xuân" ngập tràn rồi. Nếu như Mariah Carey được mệnh danh là “Nữ hoàng Giáng Sinh" tại Mỹ, thì ở Việt Nam, “Nữ hoàng nhạc Xuân" chính là diva tóc ngắn Mỹ Linh. Giọng ca ngời ngời sức sống của Mỹ Linh như vẽ cả một mùa xuân, mùa của sự nảy nở và những khoảnh khắc bắt đầu.
Những bài hát nổi bật do Mỹ Linh thể hiện có thể kể đến “Thì thầm mùa xuân" (sáng tác: Ngọc Châu), “Khúc Giao Mùa” (st: Huy Tuấn), “Hoa Cỏ Mùa Xuân” (st: Bảo Chấn), “Lắng Nghe Mùa Xuân Về” (Dương Thụ), “Phút Giao Thừa Lặng Lẽ” (st: Anh Quân & Huy Tuấn). Mang đậm hơi thở và phong cách của thập niên 90, những bài hát không bị cũ kỹ, tới bây giờ vẫn là ca khúc yêu thích của nhiều người trong những ngày đầu năm.
Sự thay đổi của thời đại in hằn rõ trên những tác phẩm âm nhạc. 20 năm trôi qua, nhạc pop Việt Nam đã đi được những bước dài, không chỉ ở cách phối khí, mà trong cả ca từ của các bài hát. Vẻ đẹp thiên nhiên ngày Xuân là “nàng thơ" của các nhạc sĩ thế hệ trước, là “chồi non xanh mơn man" (Dương Thụ), có khi ý nhị, bay bổng:
Từng giọt mưa đêm nay ngập ngừng, đọng trên áo em rưng rưng
Cầm tay em, tay em liễu xanh mềm mại
Lặng nghe sắc xuân đang về
Đó là những ví von tinh tế, ngọt ngào và đậm tính hình ảnh:
Kìa tiếng chim rộn hót xa vời
Cánh hoa đào bỗng như cười
Báo tin mùa xuân về
Nét truyền thống, ý nhị và cách thể hiện gián tiếp của các nhạc sĩ khiến mùa xuân hiện ra e ấp. Xuân đâu chỉ là Xuân, mà Xuân ẩn hiện hạnh phúc của sự gặp gỡ, đoàn tụ. Người ta mượn ngày Tết là để nói ra những điều cả năm chưa được nói ra, nên những bài hát ngày Tết mới nhận được sự đồng cảm, xúc động và thổ lộ nhiều đến vậy.
Những bản tình ca ngày Tết mỗi năm lại khoác cho mình “tấm áo mới". Các ca sĩ trẻ thể hiện lại, khoác cho bài hát tinh thần đương đại, trẻ trung và nồng cháy hơn. “Phút giao thừa lặng lẽ" được làm mới bởi Bùi Anh Tuấn và Văn Mai Hương. “Nắng có còn xuân" mang màu sắc dân gian đương đại, vui tươi và trẻ trung hơn qua giọng hát Đức Phúc và Hòa Minzy. Mỗi người hát lại mang một tinh thần khác, viết thêm câu chuyện Tết được dày hơn, đa sắc màu hơn.
Song song với dòng chảy âm nhạc thập niên 90, một tinh thần hoàn toàn mới được thổi vào playlist nhạc Tết những năm gần đây. Đó là nhạc rap, nhạc R&B năng động, vui vẻ. Trong khi những bài nhạc Tết xưa “mượn" không khí, cảnh vật ngày Tết để nói lên tình cảm, thì những bài hát ngày nay bộc trực, phóng khoáng, “vào thẳng vấn đề" hơn nhiều. “Đi để trở về", “Đi về nhà" hay “Mang tiền về cho mẹ" là những ví dụ điển hình.
Một năm đầy những chuyến đi dài, để cho ta biết, “Không ở đâu bằng ở nhà". Chỉ khi đi xa, người ta mới được học về nỗi nhớ, biết đến nỗi khát khao trở về. Hãy cứ đi, sẵn sàng để trải nghiệm, chỉ cần nhớ rằng, “nhà vẫn luôn ở đó mong chờ những đứa con”.
Hạnh phúc, đi về nhà
Cô đơn, đi về nhà
Thành công, đi về nhà
Thất bại, đi về nhà
Mệt quá, đi về nhà
Mông lung, đi về nhà
Chênh vênh, đi về nhà
Không có việc gì vậy thì đi về nhà
Đi về nhà, đi về nhà