Du hành trong thế giới mới của "Crybaby" Melanie Martinez
Khi nói đến những nữ nghệ sĩ thành công rực rỡ sau khi bước ra từ chương trình truyền hình thực tế "The Voice", ta không thể không nhắc Melanie Martinez – nghệ sĩ được yêu thích nhờ bản cover “Toxic” của Britney Spears. Sau 3 album, Martinez ngày càng cho thấy khả năng sáng tạo trong việc tạo ra concept và những câu chuyện thật sự độc đáo.
"Crybaby", xin yên nghỉ!
Cũng như Sia, ngay từ rất sớm, Martinez đã tạo ra cá tính khác lạ cho riêng mình. Với tóc mái ngang được nhuộm hai nửa trắng đen cùng hàm răng thưa, đĩa nhạc đầu "Crybaby" đã cho thấy một “nhân cách” khác của nữ nghệ sĩ. Liền tiếp sau đó là “K-12” như một bộ phim sự nối dài đến album trước. Có bối cảnh chính là một ngôi trường tương tự Hogwarts, trong dự án đó, thói hư của xã hội đã được thể hiện một cách sáng tạo và riêng biệt. Martinez cho đến nay vẫn là một nàng ca sĩ với váy búp bê và mắt đẫm lệ, nhưng ít người biết ẩn sau đó là những rạn nứt cũng như nỗi buồn đã được che giấu kỹ càng.
Thành công với concept từ hai đĩa đầu, người ta không biết liệu Martinez còn gì mới để giới thiệu. Khoảng nghỉ quá dài lên đến 4 năm giữa hai đĩa nhạc khiến cho nhiều người đã từng tin rằng cô đang cạn kiệt năng lượng sáng tạo. Tuy vậy vào buổi trình diễn tại lễ hội âm nhạc Lollapalooza Brasil mới đây, khán giả đã há hốc mồm khi được chứng kiến một diện mạo mới của Martinez. Không còn những váy búp bê và tóc hai màu, giờ đây đứng trên sân khấu là một hình tượng gần như “tiên nữ”, với 4 con mắt, đôi tai to bè, đôi cánh đập loạn cũng như khuôn miệng hoàn toàn khác lạ.
Phản ứng đầu tiên từ khán giả chắc hẳn sẽ là câu hỏi, liệu đây là Björk đang cố cải trang thành Martinez, có phải vậy không? Bởi lẽ từ album “utopia”, ta thấy nữ hoàng của nhạc thể nghiệm đến từ Iceland bỗng khoác lên mình một chiếc mặt nạ với đôi mắt to. Dù thế nhưng đây lại chính là Martinez, trong hình tượng mới thuộc đĩa “PORTALS” – album phòng thu thứ 3 và cũng là lời tuyên ngôn cho sự chết đi của Crybaby, khi trong MV của single mở đường “DEATH”, ta thấy dòng chữ “R.I.P Crybaby” như lời chia tay không hề tiếc nuối.
Không chỉ mới mẻ về mặt hình tượng, Martinez cũng khiến khán giả vô cùng bất ngờ với việc sử dụng các chất liệu mới là Pop-rock và Rock Alternative. Hẳn nhiên những điểm độc đáo làm nên tên tuổi của nữ nghệ sĩ vẫn được giữ nguyên, là dàn nhạc dây cũng như các đoạn staccato và kỹ thuật móc piazito đã thành quen thuộc. Đi cùng với đó là các âm bass rất dày và sâu, mà sự lặp lại các vòng hòa âm cùng với độ nảy của staccato đã là “thương hiệu” của “K-12”. Kết hợp với thể loại Rock của “sứ mệnh” mới, một Martinez vừa quen vừa lạ đã được tạo ra.
Vũ hội của tấn trò đời
Đặt tên album là “PORTALS” có nghĩa là cổng thông tin nơi mọi dữ liệu cùng tụ họp lại, đây là đĩa nhạc vô cùng cá nhân và cũng xuất phát từ những nỗi đau mà nữ nghệ sĩ đã phải trải qua. Đậm tính suy tư từ các triết lý luân hồi, sinh – lão – bệnh – tử cũng như châm biếm xã hội đã quá quen thuộc, Martinez cho thấy được sự “lên tay” trong việc tạo ra concept cũng như không gian vô cùng ấn tượng.
Ở “DEATH” và MV mở đường, ta thấy được nữ nghệ sĩ đã tạo ra một bối cảnh có phần độc đáo. Nếu Björk trong đĩa “utopia” họa nên nơi chốn thiên đường với những sinh linh bay trong phù du, thì ngược lại, ở “PORTALS”, Martinez mang ta đến vùng đầm lầy thâm sâu nước độc, nơi côn trùng, rắn rít, đỉa giun… cùng nhau chung sống. Trong MV chính được đầu tư lớn về mặt hiệu ứng, dù CGI vẫn còn khuyết thiếu, thế nhưng ta có thể thấy một sự gợi nhớ đến “cellophane” của FKA Twigs, khi các ẩn dụ cùng với hình tượng được phơi bày ra vô cùng sáng tạo.
Mở đầu đĩa nhạc, Martinez hát đi hát lại chuỗi từ sau, tựa như những vòng lặp không thể thay đổi:
“Death is life is death is life is death is life is…”
Thông qua 14 bài hát mở đầu từ “DEATH” và rồi khép lại ở “WOMB”, Martinez dẫn dắt người nghe xuyên qua đường hầm “TUNNEL VISION” gần như trong suốt, để rồi từ đó những gì hiện diện nơi địa ngục ấy đã được mở ra, với sự tiêu biến, thực bào, phá hủy, tận diệt và rồi cuối cùng sẽ là tái sinh. Trong MV “DEATH”, ta thấy ý tưởng về vòng luân hồi là rất rõ ràng, khi nhân vật mới được nối với Crybaby bằng một dây rốn, và để vươn lên, buộc phải cắt đứt mối liên hệ ấy.
Ở “DEATH” cô cũng gào thét rất rất nhiều lần “I’m back from the death” cũng như khẳng định mình mãi ở đây dù cho đã chết. Sau lời tự sự về bản ngã mới, Martinez chuyển sang 5 phút của “VOID” đầy những huyễn tưởng cũng như siêu thực. Với autotune như được hiệu chỉnh tạo ra vọng âm trong chất nhạc rock đã được nén kỹ, kết hợp cùng với tiếng synth vô cùng bắt tai, Martinez hát về những âm thanh lạ mà cô nghe thấy chính trong đầu óc mình, như ngầm ám chỉ một cuộc “chiến đấu” với các vấn đề sức khỏe tinh thần.
Chuyển từ hai ca khúc rock có phần máu lửa mở đầu đĩa nhạc, “TUNNEL VISION” là sự dịu dàng có phần chững lại, để cùng “THE CONTORTIONIST” và “NYMPHOLOGY”, ta sẽ thấy lại những đoạn pizzicato vô cùng vui nhộn. Sample âm thanh cũng được thêm vào một cách ấn tượng, như trong “THE CONTORTIONIST” ta có thể nghe được tiếng bẻ khớp có phần man rợ, khi Martinez hát về nhận thức trong việc hy sinh để vừa với nơi “chiếc hộp hôn nhân” của một nghệ sĩ uốn dẻo.
Cũng giống như thế trong bài hát “DEATH”, đó là tiếng tim với tốc độ đập ngày càng nhanh chóng, kết hợp cùng âm thanh synth để đưa người nghe đến thế giới khác. Cách hát của Martinez trong đĩa nhạc này cũng có được sự tiến bộ hoàn toàn vượt bậc, khi cách nhã chữ gợi nhiều liên tưởng đến chính Björk, khi thì chậm rãi, lúc lại khó khăn… như chưa muốn dứt khỏi cuộc sống này, trong những tiếng trống cũng như âm bass vẫn đang đập rộn từ dưới nấm mồ.
Trong không gian ấy, Martinez cũng mang đến góc nhìn riêng về sự nghiện ngập với mạng xã hội (“SPIDER WEB”), về sự vô luân của giới truyền thông (“BATTLE OF LARYNX”) cũng như sức mạnh không dễ tước đoạt từ người phụ nữ (“MOON CYCLE”)... Martinez là một nghệ sĩ vốn rất nổi tiếng không có “vùng cấm” trong việc sáng tạo, nên trong “MOON CYCLE”, ta sẽ không quá bất ngờ khi cô hát về việc quan hệ trong kỳ kinh nguyệt, mà còn khẳng định rằng máu là sự thanh tẩy, không mang phức cảm ô uế như vốn nó được quy cho người phụ nữ.
Cũng bằng hình tượng của một á thần, trong “NYMPHOLOGY”, Martinez cũng đã khẳng định rằng bản thân mình nhận thức được rõ mọi chuyện, chứ không hẳn là một người thần kinh, như cách chơi chữ “psychology” với tựa bài gốc. Trong “LEECHES” cô cũng hát về những lời giả dối là những con đỉa hút chính máu người và rồi lớn lên… Nhưng cô sẽ không để nó cứ mãi đục khoét, để dẫu có bị gọi là ác quỷ (“EVIL”), cô sẽ đứng lên và phản kháng lại.
Không dừng ở đó, trong những bài hát như “FAERIE SOIREE”, “SPIDER WEB” hay “LEECHES”… ta thấy tưởng tượng của Martinez vô cùng lãng mạn mà cũng ớn lạnh, khi cô chìm sâu trong sự u ám, những loài côn trùng và sự phân hủy. Trong những giai điệu có tính lặp lại của các hợp âm cùng với tiếng riff guitar như những cú thúc đâm vào da thịt, Martinez như bị dứt ra thành từng mảnh nhỏ, nhưng rồi sẽ lại tái sinh và rồi lớn mạnh trong bài hát cuối, “WOMB” từ trong bụng mẹ.
Với “PORTALS”, ta thấy có một Martinez vô cùng khác biệt, đậm tính sáng tạo cũng như tươi mới. Những tưởng không thể làm gì sau Crybaby đã quá thành công, với đĩa nhạc này, Melanie Martinez đã vươn mình dậy và bắt đầu lại. Giờ đây không còn là sự ngỗ nghịch vốn đã thành quen, mà đó là một nữ nghệ sĩ với bản lĩnh mới khi dấn sâu thêm vào nội tâm mình, để khai thác thêm những góc sắc nhọn và đầy thách thức đối với người nghe.