Yêu & cưới: Hôn nhân có thể không dành cho tất cả mọi người
Chúng ta nói hôn nhân cần cam kết của hai phía. Nhưng để đi đến giai đoạn cam kết, bất kì mối quan hệ nào cũng cần học cách vượt qua những sóng gió của hôn nhân. Khi hôn nhân được tạo nên bởi hai con người khác biệt, cuộc sống gia đình không phải dành cho tất cả mọi người.
Người ta nói rằng, càng lớn càng trưởng thành thì chúng ta có xu hướng trở nên cô đơn hơn. Và chúng ta cần một ai đó để bầu bạn hàng ngày. Trong khi một số người dũng cảm lựa chọn con đường riêng biệt và lựa chọn sống cô độc nhưng hạnh phúc, cũng có người bước vào hôn nhân để sau đó gặp nhiều tổn thương.
Nhưng có một sự thật là chúng ta dường như quên rằng, hôn nhân được tạo nên bởi hai con người hoàn toàn xa lạ. Có khi nào chúng ta cứ sống và chạy theo đám đông mà không tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Liệu mình có thật sự phù hợp với hôn nhân?”
Yêu nhau rồi tiến tới hôn nhân. Đó là một cái kết đẹp của bất kì mối quan hệ lãng mạn nào. Vì tình yêu, vì muốn sống với nhau, chia sẻ cho nhau niềm vui sướng mỗi ngày, chúng ta kết hôn. Chúng ta cũng kết hôn vì lý trí. Chúng ta cần một chỗ dựa về vật chất, một ngôi nhà để đảm bảo sự an toàn, một người chung quan điểm và lối sống. Như các cặp đôi theo đuổi lối sống DINK (Dual Income No Kids) cũng là một ví dụ cho những cặp đôi kết hôn phần lớn vì lý trí.
Mặc dù xã hội hiện nay dường như có xu hướng đề cao một cuộc hôn nhân lãng mạn, nhưng chúng ta không thể bỏ qua những khía cạnh rất thực tế. Giống như hai mặt của đồng xu, tình cảm và lý trí luôn tồn tại song song trong một cuộc hôn nhân. Khi chúng ta quên chăm sóc cho một trong hai, những mâu thuẫn xuất hiện và có thể leo thang bất kì lúc nào. Hãy tự hỏi bản thân nhiều hơn về lý do tại sao bạn lại kết hôn trước khi tiến tới chung sống với nhau.
Dù vậy. Một cuộc hôn nhân nên là sự kết hợp lý tưởng của cả hai yếu tố tình cảm và lý trí. Dù xã hội không đề cao vật chất hơn tình yêu, nhưng sự thật là cơm áo gạo tiền sẽ luôn theo đuôi một cuộc hôn nhân, đặc biệt khi gia đình của bạn ngày càng phình to ra với các thành viên mới. Mục đích của sự ổn định tài chính là nó cho phép bạn không tốn quá nhiều thời gian vào việc nghĩ và lo lắng về nó, thay vào đó, bạn có thêm thời gian để yêu thương nhau. Và ngược lại, chúng ta dành cho nhau những giây phút lãng mạn để cuộc sống không trở nên nhàm chán mỗi ngày, nếu như đó là một cuộc sẽ kéo dài 30 năm, 40 năm và hơn nữa.
Kết hôn giống như đánh bạc. Chúng ta cược "all-in" hết vào một ván poker mà ta thậm chí còn chưa hiểu rõ luật chơi. Nếu bạn không biết luật chơi của hôn nhân, có lẽ bạn chưa sẵn sàng. Giả như bạn có một luật chơi trước khi bước vào nó thì tôi cá rằng bạn cũng chẳng thể tự tin 100% là bạn sẽ chơi tốt game này.
Khác với trò chơi poker, hôn nhân luôn không ngừng phát triển qua từng giai đoạn khác nhau. Trăng mật, vỡ mật, đấu tranh quyền lực, ổn định cuộc sống rồi mới đến cam kết. Chúng ta chỉ biết có quá nhiều biến số trong hôn nhân.
Ngày còn độc thân, tôi vẫn nhớ mãi lời khuyên của một người chị về hôn nhân rằng : “em cứ sống vui, nhưng luôn sẵn sàng một chiếc vali để ra đi bất cứ lúc nào”. Đó là hình ảnh thực tế nhất mà tôi hình dung được về hôn nhân. Nếu bạn cảm thấy không còn gắn kết với cuộc hôn nhân nữa, có thể cách duy nhất bạn có thể làm được là rời cuộc chơi một cách văn minh.
Trò chơi hôn nhân đòi hỏi bạn cần một kế hoạch cụ thể. Nếu chưa có, có thể bạn cần cân nhắc kĩ hơn. Bởi kết hôn là một tổ hợp những hoạt động phức tạp nhất trong cuộc sống, nó không kém gì việc điều hành một doanh nghiệp. Bạn phải vận dụng óc tổ chức, lên kế hoạch, năng lực EQ hàng ngày để đảm bảo hoạt động gia đình được vận hành trơn tru. Từ những mối quan hệ nội ngoại hai bên, tài chính gia đình, quan điểm nuôi dạy con cái cho tới những điều nhỏ nhặt đời thường nhất như trưa nay ăn gì, đãi tiệc bạn chồng bạn vợ như thế nào… hay duy trì kế hoạch cá nhân sao cho hoà hợp với dự định chung của hai vợ chồng. Nếu bạn vẫn còn ở giai đoạn mộng tưởng hôn nhân chỉ là phần kết của tình yêu lãng mạn, thì có lẽ bạn chưa sẵn sàng.
Hôn nhân cũng không dành cho những ai chưa trưởng thành. Trưởng thành đơn giản là khi bạn vượt qua được cái tôi cá nhân. Hôn nhân càng ép bạn phải chiến thắng cái tôi hơn bất cứ lúc nào.
Chúng ta sinh ra là những con người có cá tính riêng với những suy nghĩ độc lập. Khi kết hôn, chúng ta sống với nhau hàng ngày hàng giờ, nghĩ là chúng ta biết tất cả những thói hư tật xấu của nhau. Đang từ hai cá nhân riêng biệt, với những suy nghĩ sâu kín nhất chưa được tiết lộ, bỗng nhiên chúng ta trở nên trần trụi, bị bóc mẽ, bị vạch trần và đi vạch trần đối phương. Vạch tới vạch lui cho đến khi cái ego của chúng ta bị động chạm nhàu nát khiến ta tự ái hoặc xù lông lên. Tệ nhất là chúng ta có thể làm tổn thương nhau bằng cả hành động lẫn lời nói.
Cũng có những người bước vào hôn nhân với tâm thế mong muốn đối phương sẽ hoàn thiện bản thân. Chẳng thế mà người ta vẫn nói hôn nhân là hai mảnh ghép lại hoàn hảo.
Đối phương không có nghĩa vụ giải quyết những vấn đề của riêng bạn. Bạn bước vào hôn nhân với kỳ vọng người kia hoàn thiện, giúp đỡ mình nhiều hơn. Để rồi đến khi kỳ vọng không đạt được, bạn vỡ vụn. Đó là lối tiếp cận sai lầm, bởi chỉ có chính bạn mới có thể giải quyết được những vấn đề của mình.You are your own mess. Đúng thật sự chúng ta nên hỗ trợ nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn, nhưng hôn nhân nên chỉ là một sự phản chiếu giúp ta nhận ra được vấn đề của mình tốt hơn. Hôn nhân từ đó nên là một sự tiếp nối và một bước phát triển của cuộc đời bạn.
Nhưng ta sẽ chờ tới khi nào thì mới biết rằng mình sẵn sàng cho một cuộc hôn nhân? Câu trả lời là dù bạn nghĩ rằng bạn đã sẵn sàng thì thực tế chúng vẫn có thể khác xa với những gì bạn tưởng tượng. Chỉ khi bạn thật sự ở trong mối quan hệ và đối diện với những khó khăn thử thách mới chứng minh được liệu bạn có thật sự sẵn sàng hay không. Và cũng hãy nhớ rằng hôn nhân luôn là một mối quan hệ có hạn, hãy nghĩ về việc bạn sẽ sống với đối phương từng ngày như thế nào để cuộc sống ấy trở nên ý nghĩa hơn.