Năm mới, bạn đã có kế hoạch "chăm mình" chưa?
Mỗi ngày, bạn dành bao nhiêu thời gian để “chăm mình” (tự chăm sóc chính mình)?
Với nhiều người, đây quả thật là một điều xa xỉ, vì họ không đủ thời gian để ăn, để ngủ, deadline thì vẫn đuổi sát nút thì làm gì còn thời gian để “self-care”. Và bạn cũng biết rằng, thời gian thì không bao giờ là thiếu, nếu việc đó đủ quan trọng với bạn.
Self-care (tạm dịch: tự chăm sóc bản thân) không dừng lại ở việc chăm chút ngoại hình hay các hành động nuông chiều bản thân, mà nó là các hoạt động hàng ngày xoay quanh 3 mục đích: giúp tăng cường sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và nuôi dưỡng cảm xúc của bạn.
Tại sao lại cần có self-care quan trọng?
Mặc dù ai cũng biết việc rèn luyện sức khỏe là quan trọng, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Nhưng đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, sau đại dịch Covid-19, đã rất nhiều người cần thật sự nghiêm túc với vấn đề chăm sóc bản thân. Rèn luyện thói quen self-care hằng ngày sẽ giúp bạn:
- Giảm lo lắng và trầm cảm
- Giảm căng thẳng và cải thiện khả năng phục hồi
- Cảm thấy hạnh phúc hơn
- Duy trì năng lượng tích cực và giảm trạng thái kiệt sức
- Cải thiện và gắn kết lành mạnh với các mối quan hệ xung quanh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chăm sóc bản thân rất quan trọng vì nó có thể giúp tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật và giúp con người chống chọi với bệnh tật tốt hơn.
Self-care được xem là hành trình mà chúng ta sẽ thực hiện trọn đời và chúng cũng rất đa dạng, thay đổi theo từng thời điểm và khác biệt ở mỗi người. Kế hoạch tự chăm sóc bản thân phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và sở thích hiện tại của bạn. Hãy cùng bắt đầu Lập kế hoạch nhé!
Bước 1: Đánh giá hiện trạng
Dành thời gian để lắng nghe và quan sát một ngày của mình đang được diễn ra như thế nào? Cơ thể của mình dễ đau nhức ở đâu? Cảm xúc, năng lượng trong ngày của mình đang ở mức nào? Đâu là những điều mình có thể làm tốt hơn cho cơ thể? Những việc gì sẽ dễ khiến mình có năng lượng tiêu cực, dễ cảm thấy căng thẳng,...
Bước 2: Đề ra kế hoạch
Hãy tìm một số hoạt động mà bạn cảm thấy yêu thích và có thể bạn cải thiện trong từng lĩnh vực này của cuộc sống, hay những vấn đề mà bạn muốn cải thiện. Ví dụ, bạn dành thời gian viết biết ơn để nuôi dưỡng cảm xúc và năng lượng tích cực. Hoặc bạn thích bơi lội và muốn cải thiện sức khỏe thể chất thì hãy lựa chọn môn thể thao này.
Bước 3: Bắt đầu từ bước nhỏ nhất
Bạn không cần phải giải quyết tất cả mọi thứ cùng một lúc. Xác định một bước nhỏ bạn có thể làm để bắt đầu chăm sóc bản thân tốt hơn và cố gắng duy trì nó liên tục. Hãy tận hưởng hành trình tốt đẹp bạn đang dành tặng cho chính mình.
Bước 4: Dành thời gian riêng “Me time”
Ngay cả khi bạn cảm thấy mình đang bận rộn nhất, cũng là lúc bạn cần dành thời gian cho “chăm mình” trước nhất. Hãy xem đó như một công việc quan trọng cần làm và dành sự ưu tiên cho nó. Bạn biết không, đôi khi chỉ cần bạn cảm thấy ổn thì mọi thứ xung quanh bạn sẽ hiệu quả và tốt đẹp đấy!
Nguồn tham khảo: Verywellmind, Psychology Today
Ảnh: Pekka, Art of Nora