Trao đổi mở: Áo Dài - Khi là suối nhỏ, khi là đại dương
Sanh thời trong bất cứ mỗi buổi giao lưu văn hoá hay trò chuyện cùng công chúng, nhất là người trẻ, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Khê, người Việt Nam đầu tiên được ghi dành vào cuốn “Đại từ điển âm nhạc thế giới, luôn đọc 2 câu thơ này, như 1 cách đúc kết súc tích mà tôn vinh đầy thiêng liêng về vị trí của chiếc áo dài trong lòng nhân dân và trong hành trình biến thiên của dòng chảy lịch sử văn hoá dân tộc. Chính giáo sư Khê khi truyền bá âm nhạc truyền thống trên khắp thế giới cũng luôn khoác lên mình bộ áo dài khăn đóng thân thuộc mà trang trọng.
Trong 10 năm trở lại đây, có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra lịch sử hình thành và phát triển áo dài, như cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, các công bố của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, Trịnh Bách. Hầu hết cho rằng: áo dài ra đời vào khoảng thế kỷ 15 -16, và bắt đầu lan toả tại vùng Thuận Hoá từ cuối thế kỷ 16 – đầu thế kỷ 17. Dẫu còn nhiều nhận định, song có thể nói, áo dài xuất hiện và lan toả, cũng đạt được những đỉnh cao cực thịnh về chất liệu, hoạ tiết, kiểu dáng từ thời nhà Nguyễn. Trong những bức ảnh trắng đen quý báu do người Pháp chụp tại Đông Dương, hình ảnh phụ nữ Việt Nam mặc áo dài khắp Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong đó, nổi bật là những bức ảnh ghi lại hình ảnh Mỹ Lương Công Chúa (chị vua Thành Thái), Đức Từ Cung Thái Hậu (mẹ vua Bảo Đại) và Nam Phương Hoàng Hậu (vợ vua Bảo Đại) trong trang phục áo dài thường nhật hay những những bộ áo dài lễ phục trịnh trọng, với thần khí vừa quý phái, sang cả vừa khiêm cung, nhu mì. Không chỉ phụ nữ mà các bậc đế vương (Hàm Nghi, Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại), hoàng tử (Vĩnh Thuỵ) cũng đều uy nghi trong trang phục áo dài, không thua kém bộ vest của nam giới Châu Âu lúc bấy giờ.
Áo dài không "đặt chân" tới miền Nam sau cách tân của hoạ sĩ Cát Tường (Le Mur), mà đã ngự trị ở Nam Kỳ từ khoảng thế kỷ 18, 19 với những chiếc áo ngũ thân được may bằng lãnh Mỹ A, bận cùng quần lụa trắng, bới tóc bánh lái, đeo vòng kiềng, chuỗi hạt trên cổ và nhiều vòng như xi-men ở tay. Phần tay áo dài dùng mặc thường ngày được may nhỏ gọn, ôm sát cánh tay người bận, với kiểu may nối vải từ cùi chỏ đến cổ tay. Đó là kiểu áo tay chẽn, phân biệt với áo tấc tay thụng – là lễ phục trang trọng của nhà Nguyễn.
Sau khi đất nước chia cắt bởi Hiệp định Geneve, áo dài miền Nam lại tiếp thu văn hoá Tây phương và cách tân thêm nhiều bước nữa: chít eo nhỏ hơn, khuôn ngực cao hơn, tay áo raglan ôm sát cơ thể, cổ áo mở rộng với phong cách “áo dài bà Nhu” (mà thực ra là 1 kiểu cổ áo dài do đạo diễn Thái Thúc Nha sáng tạo, được nữ minh tinh điện ảnh Kiều Chinh trình diễn đầu tiên, được Madame Nhu thích thú và phổ biến), hay tà áo nhỏ nhắn bận cùng quần ống loe của trào lưu hippy thời thượng.
Áo dài đã là THƯỜNG PHỤC từ trước 1975 và hàng chục năm nay. Có lẽ, người viết đang muốn đề cập tới khái niệm "ready to wear" (trang phục may sẵn) mà người dân có thể chọn mua dễ dàng với giá cả hợp lý đến từ những thương hiệu đa quốc gia. So với hanbok (Hàn Quốc), saree (Ấn Độ), xà rông (Thái Lan, Lào, Campuchia), hay sườn xám (Trung Quốc), áo dài Việt Nam là loại trang phục truyền thống được sử dụng phổ biên, thường ngày với nhiều mục đích, nhu cầu hơn hẳn các quốc gia khác. Quay về quá khứ, trước 1975, người dân từ Huế trở vô bận áo dài khắp mọi lúc mọi nơi, hễ ra đường là bận, dù là một người buôn gánh bán bưng hay 1 công chức, tiểu thơ quyền quý.
Áo dài miền Nam phát triển từ đầu thế 20 cho đến 1975 thì chựng lại do đời sống kinh tế khó khăn thời kỳ bao cấp. Mãi cho đến cuộc thi hoa hậu VN toàn quốc đầu tiên 1988, áo dài mới chính thức hồi sinh và phát triển mạnh mẽ tới bây giờ, một phần lớn nhờ công sức của 2 NTK tài ba: Sĩ Hoàng (áo dài vẽ) và Minh Hạnh (áo dài thổ cẩm).
Chính sự đứt gãy văn hoá áo dài từ sau 1975 cho đến giai đoạn đổi mới 1986 đã khiến cho vẻ đẹp và những chuẩn mực của tà áo dài phai nhạt trong cộng đồng, xã hội. Người ta chê áo dài rườm rà, nóng nực, cũ kỹ, quê mùa. Cũng đúng thôi. Khi áo dài được diện ra đường phố, đến nơi đông người với những chất liệu quá dày, bí, cùng màu sắc chói loà, đính kết đầy những kim sa hạt bẹt rối mắt - những chiếc áo chỉ nên xuất hiện trên sân khấu trình diễn để tạo hiệu ứng thị giác. Chưa kẻ, ám ảnh 1 chiếc eo nhỏ xíu đã khiến người may lẫn người mặc cố bóp, chít eo đến nghẹt thở, vô tình tạo thành những ngấn mỡ xấu xí, thô kệch, có khi còn rạn cả vải khi di chuyển.
Chúng ta đã có 1 thời bận áo dài thật đẹp, thật sang, thật tinh tế. Chiếc áo dài, bản thân cái đẹp của đôi tà áo đã bao hàm sự thanh, sự nhẹ, sự thuận tiện. Nếu trước kia, khi cuộc sống bắt đầu bớt khổ, người bận áo dài trưng trổ thật nhiều hoạ tiết, sắc màu cốt chứng tỏ độ giàu có, thì ngày nay, người trẻ thích 1 chiếc áo dài thể hiện đúng cá tính của họ. Để bận áo dài không già không quá khó: nên chọn chất liệu mềm, nhẹ, thoáng, mộc mạc từ tơ tằm, linen, cotton; kiểu dáng thoải mái không chít eo quá sát, tà ngắn một chút cũng được, tay có thể ngắn và hơi rộng, cổ ngắn, cổ kiềng, cổ thuyền, cổ chữ U đều được; màu sắc trung tính, cơ bản; không nên tham quá nhiều chi tiết, hoạ tiết để có thể linh động bận trong nhiều trường hợp.
Chiếc áo dài đã có một quá trình biến thiên cùng thời cuộc để thích nghi tốt nhất, và sự thật đã minh chứng: áo dài vẫn đồng hành cùng dân tộc cho đến tận ngày nay. Họa sĩ – NTK Sĩ Hoàng đã ví áo dài với đặc tính của nước. Có khi mềm mại như dòng suối nhỏ, len lỏi vào đời sống với đầy vẻ thanh mát, dịu dàng, trong veo. Có khi rộng lớn và mạnh mẽ như đại dương trước những bão tố cuộc đời, dám vượt lên những bất công, hà khắc. Và cũng có khi như hạt sương mỏng manh, ẩn mình chờ ngày được toả sáng.
Chắc chắn, không ai lãng quên áo dài. Bởi yếu tố "local brand" đang ngày càng thống trị trong môi trường "global brand", ai có bản sắc tốt hơn thì người đó sẽ chiếm lĩnh thị trường.
Bài: Ngọ Văn
Từ chiếc Áo Dài vừa xuất hiện tại sàn diễn New York Fashion Week, giờ đây, hãy cùng chúng tôi nhìn lại và chia sẻ quan điểm riêng của bạn, từng có ý nghĩ cho rằng áo dài Việt Nam không có tính ứng dụng cao, giờ đây theo bạn, áo dài liệu sẽ trở thành thường phục? Liệu chất liệu văn hoá nội địa như áo dài truyền thống có bị hế hệ trẻ lãng quên và những gì đọng lại chỉ còn sự gò bó trong việc mặc áo dài mỗi ngày? Bạn có thể gửi mail về địa chỉ info@lofficielvietnam.com, chúng tôi sẽ trích đăng những chia sẻ hay nhất trong các bài viết kế tiếp