Proudly Vietnamese: Xử lý chất liệu thành họa tiết mới - từ Công Trí, T-REDX đến Môi Điên
Khi khái niệm “local brand” (thương hiệu nội địa) bắt đầu phổ biến và có sức ảnh hưởng lên giới trẻ Việt Nam, item ngay lập tức xuất hiện như một “người đại diện” chính là những chiếc áo phông với họa tiết graphic. Học hỏi từ những ông lớn streetwear như Supreme hay Stussy, thời trang nội địa cũng đã có một thời “thịnh vượng” với những chiếc áo phông in tên thương hiệu và hình vẽ đồ hoạ phức tạp.
Tuy nhiên, khi bước vào một thời kì mới hậu đại dịch với những cơ hội tiếp cận thời trang phong phú và quãng thời gian nghỉ ngơi rất dài đủ để mỗi người trẻ học và tìm hiểu thêm về ngành công nghiệp may mặc, “kỉ nguyên vàng” dường như đã đóng lại với những thương hiệu streetwear nội địa khép mình trong những chiếc áo phông graphic, mà thay vào đó, sự chú ý đổ dồn về những gì nguyên thuỷ nhất của thiết kế thời trang, đó chính là kĩ thuật.
Sự thay đổi đòi hỏi nhà thiết kế thời gian cũng như sự đầu tư chất xám gấp nhiều lần khi thời trang đường phố vẫn không thể thiếu hình in graphic. Giờ đây, “hình in” không còn truyền thống mà đã trở nên phong phú cũng như đáng chú ý hơn rất nhiều khi có sự can thiệp của kỹ thuật mà cụ thể chính là xử lí bề mặt chất liệu vải.
Trước khi nhắc tới thế hệ thương hiệu trẻ, kỹ thuật trên vải đã được người anh lớn của thời trang Việt – nhà thiết kế Công Trí thực hiện và thành công khiến cả thế giới trầm trồ khi xuất hiện tại Tokyo Fashion Week 2017 với cái tên không thể lãng mạn hơn: Em Hoa. Với 39 mẫu thiết kế oversized đơn sắc và điểm nhấn nằm chủ yếu ở phần mặt sau với những đoá hoa thêu tay được đính kết thủ công phức tạp. Đến với Tokyo – cái nôi của những phát kiến thời trang đột phá và sự sáng tạo nằm ngoài khuôn khổ thông thường, Công Trí và những kỹ thuật cải tiến của mình vẫn đủ sức chinh phục thị trường khó tính bậc nhất. Sự thành công đến ngay lập tức, gây tiếng vang trong cộng đồng thời trang Việt và tạo tiền đề cho những nhà thiết kế trẻ đã và đang nuôi dưỡng ước mơ thiết kế song song với xử lí chất liệu.
Cuối năm 2019, những chú khủng long T-REDX bắt đầu nổi lên và thay đổi cuộc chơi một cách ngoạn mục khi liên tục tung ra thị trường những thiết áo khoác với bề mặt vải được xử lý kỹ lưỡng. Thực tế đã chứng minh nước đi của T-REDX là một bước chuyển mình thông minh khi mang tới cho khách hàng những thiết kế với trải nghiệm thực sự cao cấp. Thời trang không còn là một điều quá xa lạ với giới trẻ Việt Nam và những chiếc áo phông với kỹ thuật in ép nhiệt/in nhựa không còn được ưa chuộng do thiếu đi sự đầu tư cũng như tính cải tiến.
T-REDX đã hiểu được điều này khi xâm nhập vào streetwear với sự tận tâm hơn rất nhiều ở khâu sản xuất và lên ý tưởng cũng như thiết kế đồ hoạ. Một chiếc áo khoác với 85 li xếp tay thủ công vuốt ngược mô phỏng bộ xương khủng long hay hình thêu hoá thạch xương đầu khủng long vẽ tay tỉ mỉ giúp T-REDX được ghi nhận là một thương hiệu “có tâm” chăm chút sản phẩm cũng như có tinh thần cải tiến. Việc xử lí chất liệu đưa thương hiệu vào tấm bản đồ thời trang và ngay lập tức cái tên T-REDX được xếp vào hàng những thương hiệu top đầu.
Đi lên cùng những sản phẩm denim, Copper cũng là một thương hiệu Việt tập trung vào sản phẩm làm từ loại vải này với những kĩ thuật xử lí bề mặt vải không kém phần đặc sắc. Được biết đến là chất liệu rất phù hợp với cho những thí nghiệm bề mặt nhờ độ bền và độ cứng lí tưởng, bản thân denim đã mở ra những cơ hội thiết kế phong phú cho đội ngũ Copper. Ảnh hưởng từ bộ sưu tập thời trang nam xuân – hè 2021 của Louis Vuitton với hoạ tiết checkerboard trở lại ngoạn mục, hàng loạt thương hiệu thời trang nội địa tung ra những sản phẩm checkerboard in trên vải nhưng với Copper và màn hợp tác cùng T-REDX, hoạ tiết checkerboard xuất hiện dưới dạng dệt denim kết hợp cùng logo.
Những gì Copper đã làm được chỉ trên một chất liệu duy nhất đã chứng minh thương hiệu thời trang nội địa hoàn toàn có khả năng làm nên những “hình in” với chất lượng đáng ngạc nhiên. Bên cạnh đó, Copper cũng không hề bỏ qua những cách thức xử lí cơ bản như thêu trên denim, nhuộm/tẩy hay rạch denim.
Xuất thân là một thương hiệu bền vững thân thiện với môi trường, Timtay cũng không để bản thân nằm ngoài xu hướng xử lí bề mặt vải. Những kĩ thuật của Timtay được giới thiệu trên hai chất liệu chủ yếu là linen và denim trong khi đó vẫn chú trọng vào cốt lõi của thương hiệu: sử dụng chất liệu tự nhiên và ủng hộ lối sống xanh. Hầu hết các sản phẩm đến từ đội ngũ Timtay đều có phần bề mặt được “chắp vá” thành hoạ tiết thú vị đồng thời thương hiệu cũng dùng chính kỹ thuật chắp vá này để “ghép” nên những sản phẩm hoàn chỉnh từ vải thừa trong quá trình sản xuất thời trang công nghiệp.
Thị trường thời trang đường phố nội địa cũng đón chào những cái tên tuy mới nhưng không hề non trong kỹ thuật vải như Vaegabond hay Deadend. Đội ngũ thiết kế của Vaegabond đã gây ấn tượng ngay từ những ngày đầu xuất hiện với bộ trang phục may bằng bao bố - sử dụng chất liệu không ngờ tới với những chi tiết in có sẵn để tạo nên một thiết kế hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, Deadend tung ra những chiếc khăn bandana với vải bông thô được dệt tự nhiên và nhuộm chàm thủ công bởi các nghệ nhân đến từ vùng núi Tây Bắc kết hợp với kỹ thuật in kéo lụa.
Như vậy, với nhu cầu ngày càng cao và tâm lí sẵn sàng chi tiền cho một sản phẩm chất lượng của phần đông người mua hàng, dù chưa thực sự phổ biến nhưng việc xử lí chất liệu cũng như thiết kế với kỹ thuật cao trong các thương hiệu nội địa đã dần dần có chỗ đứng trong cả thời trang cao cấp, thời trang bền vững và thời trang đường phố.
Nguồn tham khảo: BOF, Trí Minh Lê
Bài: Minh Nhật