“Me” Generation: Khi công nghệ định hình xã hội
Con người đương đại nói nhiều về cá nhân hóa, cái tôi, phong trào nữ quyền và những cuộc khủng hoảng năng lượng. Ấy thế mà có một thập kỷ đã gom góp lại tất thảy những điều trên trong cùng một dòng chảy, do sự đổ bộ mạnh mẽ của công nghệ mà thành. Chào mừng bạn đến với thập niên 70, một thời kỳ không kém phần quan trọng so với cuộc Cách mạng Công nghiệp cuối thế kỷ 18.
Thật khó để khái lược quang cảnh thập niên 70 chỉ trong đôi ba chữ, càng không thể khuôn ép quang cảnh ấy vào những phân định tốt-xấu tường minh. Một mặt, thập niên 70 để lại trong ký ức người trưởng thành những mảnh vỡ kinh hoàng về chiến tranh, áp bức và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, thời kỳ này cũng chứng kiến những bước chuyển mình lừng lẫy của công nghệ, châm ngòi cho các xu hướng giải trí, sự nảy nở của cái tôi ái kỷ và mưu cầu về bình đẳng giới, qua đó đặt nền móng cho phong cách sống của thời đại ngày nay.
Cuộc xâm lăng của công nghệ
Đầu thập niên 70, nếu cả nước Mỹ đang lao đao trong cơn khủng hoảng thì tại bang California, khu vực trung tâm công nghệ cao Silicon Valley đã bắt đầu nổi danh trên khắp các mặt báo, quy tụ những “người khổng lồ” trong giới công nghệ cùng nhập cuộc. Thời kỳ này, những chiếc máy vi tính đồ sộ dần biến mất và nhường chỗ cho sự xuất hiện của bộ vi xử lý đầu tiên trên thế giới - Intel 4004. Nhiều thiết bị di động thay phiên nhau ra đời: máy ghi video tại nhà, chiếc đĩa mềm floppy, công nghệ màn hình LCD, và cả chiếc điện thoại di động đầu tiên nữa, dù nó to và dày gấp 10 lần chiếc iPhone bây giờ! Thế nên, một đứa trẻ lớn lên trong gia đình khá giả vào thập niên 70 hẳn sẽ có dịp ngắm nhìn những sáng chế hay ho và chìm đắm trong bầu không khí công nghệ sục sôi hiếm có thời bấy giờ.
Một trong những trò chơi điện tử đầu tiên, Pong, được phát hành bởi Atari, cũng ra đời vào giai đoạn này và “làm mưa làm gió” khắp thế giới. Bạn có thường bắt gặp những cô, cậu bé trong các khu vui chơi, say sưa trước một trò chơi điện tử như thể gói trọn cả tuổi thơ vào đó? Pong chính là tiền thân của những trò chơi như thế, đặt viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của ngành công nghiệp game toàn cầu.
Bên cạnh đó, những tiềm năng rộng mở cho phép công nghệ được ứng dụng ở nhiều địa hạt khác nhau, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh. Thời gian này, Hollywood đương giã từ thể loại phim cổ điển với những nam tài tử bóng bẩy và motif dễ đoán. Thay vào đó, những tiến bộ công nghệ đưa kỹ xảo phim lên một tầm cao mới, kết hợp với cách khai thác chủ đề táo bạo để dẫn dắt người xem vào một vũ trụ gọi là New Hollywood – đầy rẫy những bộ phim bom tấn, có quy mô lớn như Jaws và Star Wars.
Từ chiếc máy tính, điện thoại cho đến trò chơi và điện ảnh, những dấu ấn công nghệ đã len lỏi khắp khu phố, hiện diện trong mọi giờ giải lao của lũ trẻ lúc bấy giờ. Những đứa trẻ trưởng thành từ thập niên 70 nay đã làm cha, làm mẹ, vẫn luôn ngấm ngầm một tinh thần hiện đại và nhạy bén với công nghệ – những nếp tư duy được hun đúc tự nhiên bởi sự tiến bộ của xã hội. Và quyền năng hơn thế, công nghệ còn có thể len lỏi vào não trạng của ta, thay đổi cách chúng ta hình dung về thế giới.
“Me” Generation
“Me” Generation – đây chính xác là cách nhìn của tiểu thuyết gia Tom Wolfe về thế hệ trẻ của những năm 1970, những người đã giã từ tư duy cộng đồng để theo đuổi chủ nghĩa Cá nhân (Individualism), tức chú trọng vào cái tôi bản thể. Một mặt, những đứa trẻ lớn lên bị Thế chiến thứ Hai hay những cuộc chiến tranh đương thời gây thương tổn. Mặt khác, sự ra đời của nhiều ứng dụng công nghệ đã điều hướng thanh thiếu niên đến với những trải nghiệm riêng tư hơn, hình thành nên nỗi đơn độc sâu thẳm.
Có thể kể đến chiếc máy tính cá nhân đầu tiên do MITS sản xuất năm 1975, sau đó là dòng sản phẩm máy tính Apple 1 được bán ra thị trường vào năm 1976. Hay chăng, chiếc máy nghe nhạc Sony Walkman ra đời vào năm 1978 đã hoàn toàn thay đổi cách con người sinh hoạt trong không gian công cộng. Thay vì nghe nhạc ở nhà, trong xế hộp hay không gian chung, một lớp trẻ thời thượng giờ đây có dịp trở thành “walkman” đúng nghĩa. Họ dạo phố hay trượt ván, không quên mang tai nghe và thả trôi tâm trí trong những giai điệu yêu thích. Chẳng thế mà sử gia Christopher Lasch đã viết về sự trỗi dậy của nền văn hóa ái kỷ thấm đẫm tinh thần Mỹ thời bấy giờ: những người trẻ trăn trở về cái tôi, họ ngấm ngầm phản kháng và khát khao tự nhận thức hơn bao giờ hết.
Thập niên 70 cũng là thời kỳ mà các phong trào nữ quyền diễn ra ồ ạt như sóng trào với sự đóng góp gián tiếp của công nghệ, điển hình là công nghệ tránh thai. Ở Mỹ, vòng tránh thai được giới thiệu từ năm 1959, thế nhưng phải đến năm 1972 mới được thông qua và được sử dụng cho mọi cô gái, bất kể đã lập gia đình hay chưa. Cùng với các biện pháp phòng ngừa khác, đề luật này giúp cởi trói phụ nữ khỏi những rủi ro mà họ đã gánh gồng trong hàng thế kỷ: tôi được ân ái một cách an toàn, được tự quyết sinh sản khi đắm mình vào một cuộc giao hoan. Một phiên bản “Me” Generation dành cho nữ giới!
Mặt khác, cuộc suy thoái kinh tế đã đẩy những cô gái thời kỳ này ra ngoài xã hội để tìm kiếm việc làm. Thập niên 70, tỉ lệ phụ nữ trong những ngành như giáo dục, y dược đều tăng mạnh. Thậm chí, có nhiều người nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy chính phủ của các nước trên thế giới. Điển hình là nữ nguyên thủ đầu tiên trên thế giới Sirimavo Bandaranaike đã tái đắc cử vị trí Thủ tướng Sri Lanka vào năm 1970. Thủ tướng Golda Meir của Israel hay Phó Chủ tịch Tống Khánh Linh của Trung Quốc cũng là những gương mặt nổi bật trong giới chính trị thời bấy giờ. Đặc biệt, năm 1979 đánh dấu sự kiện nữ Thủ tướng đầu tiên của Vương Quốc Anh Margaret Thatcher, một trong những nữ chính trị gia có tầm ảnh hưởng sâu sắc bậc nhất đến thế giới. Sự hiện diện của họ mang lại một diện mạo mới cho những diễn ngôn về bình đẳng, khởi xướng sự tôn trọng thiết yếu mà mọi giới tính đều xứng đáng được nhận.
Ngày nay, hãy thử rảo bước trên con phố, ta sẽ thấy những chàng trai, cô gái mang tai nghe, chân thoăn thoắt men theo lối đi định sẵn; thấy những dáng hình đa dạng về lứa tuổi lẫn giới tính đang chăm chăm vào màn hình điện thoại; thấy một tốp trẻ đang rộn ràng bàn tán về những diễn biến mới nhất của nữ quyền. Và sẽ luôn có những người mải miết đi tìm lời giải cho câu hỏi: Tôi là ai? “Me” Generation dễ cũng hàm chứa cả sự truyền thừa.
Một thời kỳ vang dội đã đi qua. Bạn đã sẵn sàng để viết nên lịch sử cho thời đại của chính mình?
Bài viết gốc trên ấn phẩm L’OFFICIEL HOMMES VIETNAM #1: The Modern Flâneur