Documentary

Tại sao giám đốc nghệ thuật nữ vẫn là ngoại lệ trong ngành hàng xa xỉ?

Tại sao trong một ngành công nghiệp được vận hành trên nhu cầu, cơ thể và cảm xúc của phụ nữ, lại có quá ít phụ nữ giữ vị trí cao nhất?

Sau khi ngồi xem hết show này đến show khác trong mùa thời trang nữ tại Paris, một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu chúng tôi - không hẳn là về xu hướng, phom dáng hay bảng màu - mà về quyền lực: Tại sao trong một ngành công nghiệp được vận hành trên nhu cầu, cơ thể và cảm xúc của phụ nữ, lại có quá ít phụ nữ giữ vị trí cao nhất? Tất nhiên, các bộ sưu tập trông vẫn đẹp và lộng lẫy. Nhưng khi nhìn những thiết kế lụa tinh xảo hay các chi tiết cut-out gợi cảm, chúng tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu phụ nữ thực sự muốn mặc những thứ này mỗi ngày? Và có bao nhiêu phụ nữ thực sự đã được lắng nghe khi những thiết kế ấy ra đời?

adult female person woman fashion coat male man high heel dress

Làng thời trang đang trải qua một đợt dịch chuyển quyền lực chưa từng có. Gần đây nhất, Jonathan Anderson rời Loewe, còn Demna Gvasalia chia tay Balenciaga. Người thì được đồn đoán kế vị Maria Grazia Chiuri tại Dior, kẻ thì nhanh chóng “tái định cư” trong một thương hiệu chị em cùng thuộc đế chế Kering. Những chuyển động này, dù chóng vánh, lại là mạch sống của ngành công nghiệp xa xỉ khi mỗi gương mặt mới ở vị trí giám đốc sáng tạo mang theo kỳ vọng thổi luồng sinh khí vào thị phần đang bão hòa. Thế nhưng, giữa cuộc chơi mang tính chiến lược ấy, có một sự thật không thể né tránh rằng phụ nữ, một lần nữa, bị đẩy ra rìa trong những vị trí quyết định.

Paris và Milan – hai kinh đô haute couture – vẫn khép kín với nữ giám đốc sáng tạo, trong khi London chứng kiến làn sóng phụ nữ dẫn dắt các nhà mốt độc lập. Sự đối lập càng rõ khi nhìn vào Donatella Versace – người giữ lửa cho đế chế mang họ Versace suốt gần ba thập kỷ sau cái chết của Gianni. Bà rút lui lặng lẽ chỉ sau một mùa diễn, nhường chỗ cho Dario Vitale từ Miu Miu. Không lễ vinh danh, không retrospective hay dòng chữ cảm ơn trên màn hình cuối show. Chỉ là một sự chuyển giao lạnh lùng, như thể ba mươi năm cống hiến của Donatella chưa từng tồn tại. Sự im lặng ấy khiến nhà thiết kế Charles Jeffrey phải thốt lên trên Instagram: “Ngành này gần như không có bao nhiêu người phụ nữ tài năng giữ vai trò giám đốc sáng tạo, và một nữ thần vừa rời đi. Hãy cho cô ấy mười giây. Hãy có một khoảnh khắc để tôn vinh cô ấy.”

Các tập đoàn LVMH, Kering và OTB đang chi phối thị trường xa xỉ phẩm nữ, nhưng các phòng thiết kế của họ vẫn chủ yếu do nam giới lãnh đạo, mặc dù các bộ sưu tập của họ chủ yếu hướng đến đối tượng phụ nữ. Vậy ai sẽ là người phù hợp nhất để thiết kế quần áo cho phụ nữ? Rõ ràng không phải là những nữ nhà thiết kế, ít nhất là trong trường hợp của OTB, nơi không có bất kỳ người phụ nữ nào đứng đầu các thương hiệu như Diesel, Marni hay Maison Margiela… LVMH có vẻ "cởi mở" hơn một chút với Maria Grazia Chiuri (sắp rời đi) và Sarah Burton tại Givenchy. Còn ở Kering, chỉ duy nhất Louise Trotter là người phụ nữ đứng đầu bộ phận sáng tạo của Bottega Veneta. Tuy nhiên, dù phụ nữ đảm nhận những vị trí quan trọng ở hậu trường, họ hiếm khi được tôn vinh dưới ánh đèn sân khấu. Kering tự hào về cam kết bình đẳng giới của mình, với 55% phụ nữ trong đội ngũ quản lý và là một trong những công ty có tỷ lệ nữ giới cao nhất trong danh sách CAC 40. Tuy nhiên, trên thực tế, vị trí cao nhất, giám đốc sáng tạo, vẫn gần như hoàn toàn thuộc về nam giới.

Có phải vì tất cả đều không đủ khả năng mang lại doanh số như kỳ vọng? Cũng không hẳn. Trong nhiệm kỳ của Viard, mảng thời trang của CHANEL tăng trưởng gấp đôi. Doanh thu của Dior đã tăng gấp bốn lần từ khi Maria Grazia Chiuri tiếp quản vào năm 2016. Và theo một báo cáo gần đây của Vogue Business về sự bao trùm kích cỡ trong thời trang nữ, ba trong số năm show đa dạng nhất Thu/Đông 2024 đều do phụ nữ cầm trịch: Sinéad O'Dwyer, Ester Manas và Edeline Lee. Một cách rõ ràng khi phụ nữ thiết kế cho phụ nữ, không chỉ sự thấu hiểu được nhân lên, mà doanh thu cũng thế. Vậy điều gì đang cản trở họ?

people person pants adult female woman blouse groupshot male man

Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, thế giới phương Tây từ lâu đã được vận hành bởi tư duy kinh doanh mang tính nam quyền. Dưới vẻ ngoài nữ tính, mềm mại của thời trang là một cỗ máy thương mại khốc liệt phần lớn do đàn ông nắm giữ. Mối tương quan ấy có thể truy ngược về thời điểm hệ thống phong kiến châu Âu sụp đổ, nhường chỗ cho làn sóng công nghiệp hoá. Trong cuốn Fashion: A Manifesto, tác giả Anouchka Grose từng lý giải thời trang với tư cách một ngành công nghiệp thương mại bắt đầu từ những người lao động cũ – vốn từng là gia nhân – khi họ mở cửa hàng may mặc, đe doạ vị thế độc quyền của giới quý tộc trong việc định hình gu thẩm mỹ. Khi công nghiệp hoá làm lu mờ ranh giới giai cấp, gu ăn mặc trở nên bình dân hoá. Từ đó, tiền bạc, thay vì xuất thân, trở thành chìa khoá mở ra cánh cửa di chuyển xã hội. Trong một thế giới được dựng nên bởi đàn ông và dành cho đàn ông, không có gì lạ khi họ luôn là người được chọn trước, hưởng lợi nhiều nhất, và củng cố quyền lực nhờ mạng lưới tài chính, xã hội cùng văn hoá sẵn sàng tôn vinh họ.

Ngày nay, chính những người đàn ông xuất thân bình dân ấy đang nắm giữ tập đoàn mẹ của những nhà mốt bạn yêu thích. Hãy nhìn François-Henri Pinault – chủ tịch kiêm CEO của Kering, tập đoàn sở hữu Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta và Balenciaga; hay Bernard Arnault – CEO của LVMH, người gần như làm chủ 75 thương hiệu trải dài sáu lĩnh vực khác nhau, từ thời trang đến trang sức và mỹ phẩm. Vậy họ có bao giờ bị truy vấn về trách nhiệm trong việc loại trừ phụ nữ ra khỏi những vị trí quyền lực? Họ có thực sự vô can?

Trong khi phương Đông đã có những giám đốc sáng tạo như Rachel Lim tại Love, Bonito, Patty Ang tại Patton, hay những nữ doanh nhân thành công như Mona Patel trong ngành thời trang cao cấp, thì thứ duy nhất đang níu kéo nền thời trang xa xỉ phương Tây chính là sự lỗi thời cố hữu của tư tưởng trọng nam khinh nữ. Dĩ nhiên, vẫn có những nữ giám đốc sáng tạo tài năng điều hành thương hiệu riêng như Mowalola, Marine Serre, Nensi Dojaka – và cả Phoebe Philo, dù thương hiệu mang tên cô vẫn phải dựa vào nguồn vốn độc lập từ LVMH. Nhưng khi phụ nữ – những người hiểu rõ phụ nữ muốn gì nhất – không nhận được đủ sự hậu thuẫn tài chính lẫn niềm tin, các thương hiệu độc lập như vậy rất khó vươn xa.

Ảnh: Getty Images

Recommended posts for you