Giao điểm thời trang Nhật – Pháp (P1): Kenzo Takada
Nhật Bản của Kenzo Takada, Issey Miyake, Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto là quốc gia như thế nào? Nền tảng văn hoá bản địa giúp những NTK này tìm được cái tôi ra sao? Và vì sao kinh đô thời trang Paris lại tôn sùng họ tới vậy?
“Con hổ Á Đông”, “Người Nhật Bản đầu tiên vẽ nên đế chế thời trang châu Á tại Paris”, là những biệt danh báo chí thế giới dành cho Kenzo Takada. Sự hấp dẫn của thời trang Kenzo hữu hình khi NTK chưa từng cố gắng “gào thét” rằng “tôi là một người Nhật trên đất Pháp”. Pháp đối với Kenzo như ngôi nhà thứ hai, nơi NTK đa văn hoá này liên tiếp giới thiệu những sáng tạo đại diện cho tuổi trẻ vĩnh hằng và niềm vui được sống.
Kenzo Takada được sinh ra và lớn lên dưới chiếc bóng của công trình kiến trúc cổ Himejijō (một trong những lâu đài phong kiến đẹp nhất Nhật Bản). Tuổi thơ của Kenzo theo đó chìm ngập trong Nagauta (một thể loại âm nhạc Nhật Bản truyền thống, thường đi kèm với nhà hát Kabuki), những tấm chiếu Tatami và khu vườn ngập mùi cỏ khô. Sống tại khu nhà rất gần nơi sinh hoạt của các geisha, Kenzo được bao bọc bởi sự dịu dàng của âm nhạc, diễn xuất và sự phức tạp trong cách phụ nữ Nhật Bản ăn mặc. Kenzo nhớ cha mình là một người yêu thích đồ cổ, mẹ mặc kimono một cách cực kỳ uyển chuyển và những ngăn kéo chứa đầy vải lụa crepe, yūzen nhuộm màu chống thấm và sợi dệt pongee.
Năm 1945, do ảnh hưởng của thời kì hậu chiến, quần áo may sẵn tại Nhật Bản là một món tài sản cực kì quý giá. Vì vậy, các trường dạy may bắt đầu được thành lập ồ ạt. Bước ngoặt trên con đường sáng tạo của Kenzo diễn ra khi trường Cao đẳng thời trang Bunka (Tokyo) quyết định nhận giảng dạy sinh viên nam vào năm 1957. Trước đó, Bunka là một môi trường thuần tuý dành cho nữ, những cá nhân được cho rằng “phù hợp với ngành may mặc hơn cả”.
Sau khi nhận được giải thưởng thời trang Soen (được tổ chức bởi chính trường Bunka) và khoản tiền của chính phủ (năm 1964, để chuẩn bị cho thế vận hội Tokyo, khu nhà của Kenzo bị san bằng và người dân được bồi thường 10 tháng tiền thuê nhà), Kenzo chính thức bước lên chuyến tàu vượt biển đến Pháp.
Năm 2019, Kenzo chia sẻ trên tạp chí Marie Claire Pháp rằng NTK đã xem những sáng tạo của Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo từ rất lâu trước đây. “Họ yêu màu đen và thiết kế rất tỉnh táo, tuy nhiên, là một người cùng thời, tôi chọn thể hiện Nhật Bản của mình qua nghệ thuật sân khấu và đặc biệt là Kabuki”.
Những BST đầu tiên khiến Kenzo được biết tới bởi người Pháp là sự kết hợp nhuần nhuyễn của kết cấu, màu sắc, chất liệu và hoa văn. Ruy băng xuất hiện vì những sợi vải siêu dài này tràn lan khắp các chợ trời Paris nhưng lại cực kì khó tìm trong những năm 60, 70 tại phần đông các cửa hàng phụ liệu Tokyo. Bông xuất hiện vì loại vải này cực kì rẻ. BST Xuân Hè 1978 như vậy, khác hẳn những gì thế giới đang biết về Nhật Bản. “Thì ra Nhật Bản cũng đầy màu sắc, Nhật Bản có Kabuki và những nghệ sĩ vẽ mặt độc đáo, trang phục cực kì nhiều hoạ tiết, những chiếc kính râm thú vị và cả một BST khăn trùm đầu”.
Nói về kỹ thuật của Kenzo, điều khiến Karl Lagerfeld ấn tượng ngay từ đầu chính là quá trình “nghiên cứu, kỹ thuật và các chi tiết đầy bất ngờ”. Trong cuốn tự truyện của mình, Kenzo giải thích chính kỹ thuật cắt đã giúp NTK thành công hoà trộn văn hoá. “Tại trường Bunka, tôi học cách vẽ phác thảo, và sau đó dựng, cắt bộ rập. Việc lên những mẫu thử chỉ diễn ra sau đó. Tại Pháp, quy trình diễn ra ngược lại, bộ rập sẽ được cắt sau cùng. Tôi nghĩ sự khác biệt này chủ yếu đến từ văn hoá Nhật Bản và bộ Kimono, trang phục được xây dựng hoàn toàn từ một hình chữ nhật”.
Năm 1993, Kenzo bán thương hiệu mang tên mình cho LVMH, một bước tiến lớn của châu Á trên con đường chinh phục những kinh đô thời trang quốc tế. Tuy nhiên, năm 1999, NTK quyết định rời khỏi thương hiệu. Điều kì diệu phần nào biến mất và như tất cả chúng ta có thể thấy, thương hiệu Kenzo rơi vào tình trạng lao đao cho tới khi LVMH bổ nhiệm Nigo cho vị trí Giám đốc sáng tạo mới.