Topshop phá sản - Đòn chí mạng cho các cửa hàng thời trang nhanh
CEO Arcadia cho biết: "Đây là một ngày buồn bã khủng khiếp đối với tất cả những đồng nghiệp của chúng tôi cũng như những nhà cung cấp và nhiều cổ đông khác. Tác động của dịch Covid-19 khiến các cửa hàng đóng cửa dài hạn đã gây ra ảnh hưởng tới việc giao dịch trên tất cả các thương hiệu của chúng tôi.”
Thực chất, trước khi lâm vào khó khăn do đại dịch, Arcadia đã vướng vào vòng xoáy kinh doanh thất bát, bắt đầu từ vụ bê bối tài chính của chủ tịch Philip Green. Vào tháng 06/2019, công ty này mấp mé phá sản, nhưng nhờ thỏa thuận về các khoản nợ và tái cấu trúc hoạt động mà vực dậy được. Kể từ khi đại dịch xuất hiện, công ty đã phải đóng cửa 50 cửa hàng ở Anh cùng 11 cửa hàng Topshop và Topman ở Mỹ. Từ một công ty bán lẻ lớn nhất nước Anh, Arcadia đã bị các hãng bán lẻ tầm trung khác như Zara, H&M, ASOS và Boohoo vượt mặt.
Arcadia đã từ chối nhận khoản vay 50 triệu bảng từ Frasers Group, công ty sở hữu nhiều thương hiệu như Sports Direct và Slazenger và tuy đóng cửa cửa hàng tại Mỹ nhưng Topshop và Topman vẫn tiếp tục duy trì bán hàng qua mạng và phân phối sản phẩm qua các đối tác tại Mỹ điển hình là Nordstrom.
Theo chuyên gia phân tích thời trang cao cấp GlobalData Chloe Collins, Arcadia "đã đánh mất bản chất trong nhiều năm", và ông chủ của nó thì dính vào quá nhiều vụ tố tụng bên ngoài công việc kinh doanh, trong khi đầu tư quá ít vào những chuyển đổi kỹ thuật số và mất thị phần vào tay các đối thủ trực tuyến như Boohoo và Asos. Collins cho biết: “Cơ hội tốt nhất cho cho bất kỳ thương hiệu nào trong trường hợp này là chia tách.” Boohoo, Next và Marks & Spencer có thể là một trong những người mua tiềm năng.
Những nhà bán lẻ quần áo lớn khác như Marks & Spencer và Selfridges cũng đang phải đối mặt với những khó khăn không kém - cắt giảm nhiều việc làm và đóng cửa nhiều cửa hàng do ảnh hưởng của đại dịch. Các hãng này đang phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mua sắm online.
Đại dịch Covid-19 đến để khiến những nhà bán lẻ thời trang hiện tại phải suy ngẫm lại về tính hiệu quả của mô hình kinh doanh hiện tại. Thời trang tầm trung với giá rẻ đem lại khả năng tiếp cận cao cho khách hàng. Tuy nhiên, khi vấn đề an toàn và sức khỏe trở nên quan trọng hơn, thì giá rẻ và mạng lưới rộng cũng không thể cứu được cửa hàng.
Sau cơn bão Covid-19, xu hướng mua sắm có chọn lọc và có ý nghĩa ngày càng được đặt lên cao hơn. Khách hàng tầm trung đang dần thắt chặt chi tiêu và họ bắt đầu hướng sang những sản phẩm bền vững - mua một lần, dùng được lâu và an toàn cho sức khỏe.
Đó là xu hướng đã nhen nhóm trong cộng đồng thời trang từ trước khi đại dịch xảy ra và hứa hẹn sẽ còn bùng phát mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Bên cạnh nhu cầu mua sắm trực tuyến đã được các ông lớn thương mại điện tử bao gồm Amazon và Alibaba tích cực phát triển nhân lúc người tiêu dùng bị mắc kẹt trong nhà.
30/11 là ngày buồn với Arcadia và Topshop và là cú sốc lớn đối với các thương hiệu bán lẻ còn lại. Tương lai sẽ còn mang đến nhiều điều bất định khác, và các thương hiệu buộc phải thay đổi cách tiếp cận với thời trang của mình, nhằm đương đầu một cách nhạy bén và thông minh hơn.