Business

EU siết thuế hàng Trung Quốc: Cuộc chơi thuế quan và hệ lụy chuỗi cung ứng toàn cầu

Liên minh châu Âu có thể sẽ đi theo con đường mà chính quyền Trump từng cảnh báo, gióng lên hồi chuông đỏ trước làn sóng hàng hóa xuất khẩu ồ ạt từ Trung Quốc.

adult female person woman hand holding hands clothing skirt handbag coat

Sau nhiều năm hợp tác thương mại sâu rộng với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước cảnh báo nghiêm trọng về làn sóng hàng hóa giá rẻ ồ ạt từ quốc gia này. Theo La Repubblica, cảnh báo được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Trong cuộc trao đổi, Bắc Kinh đã cố gắng trấn an thị trường châu Âu rằng, trước việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, nước này sẽ ưu tiên thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa thay vì chuyển hướng xuất khẩu sang EU.

Tuy vậy, những lo ngại trong nội bộ EU đã xuất hiện từ tháng 5/2025, khi Cao ủy Thương mại Maroš Šefčovič đề xuất áp thuế khoảng 2 euro với mỗi đơn hàng nhập khẩu dưới 150 euro – vốn đang được miễn thuế. Động thái này chủ yếu nhằm kiềm chế đà tăng trưởng của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Shein và Temu.

Đức – nền kinh tế đầu tàu của EU – đang là quốc gia chịu tác động rõ nhất và cũng là trung tâm của các cuộc đàm phán. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại với Thủ tướng Đức Friedrich Merz, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của Đức trong việc định hình chính sách thương mại và tăng trưởng của toàn khối.

Từ lâu, Trung Quốc đã thiết kế lại cuộc chơi cung ứng toàn cầu bằng chiến lược giá rẻ và tốc độ sản xuất đáng kinh ngạc. Thế nhưng, sự siết chặt từ phía EU đang buộc quốc gia này phải điều chỉnh hướng đi, trong bối cảnh thị trường nội địa vẫn thiếu ổn định và niềm tin tiêu dùng chưa phục hồi.

Đồng thời, châu Âu, cũng như Hoa Kỳ sẽ chịu tác động trực tiếp từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu thô và quy trình gia công may mặc. Việc áp thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ dẫn đến hai hệ quả lớn: lợi nhuận giảm và giá thành tăng. Cả hai yếu tố này đều làm suy yếu nghiêm trọng cấu trúc hiện tại của ngành công nghiệp thời trang. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu ngành thời trang châu Âu có đủ sức tự bảo vệ hệ sinh thái sáng tạo và sản xuất của mình trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt, nơi tốc độ và giá cả đang được đặt lên trên chất lượng, bền vững và giá trị văn hóa?

Theo Bain, thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc đã giảm khoảng 20% năm 2024 so với một năm trước đó. LVMH ghi nhận doanh thu quý IV tại châu Á (trừ Nhật Bản) giảm 11%, chủ yếu do sự suy yếu của thị trường tỷ dân. Trước diễn biến này, không quá bất ngờ khi một số thương hiệu cao cấp như Valentino hay Balenciaga bắt đầu rút sản phẩm khỏi TMALL – nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc – theo thông tin từ Milano Finanza. Trung Quốc, từ vai trò là động lực tiêu dùng toàn cầu, đang dần trở thành điểm nghẽn chiến lược cho tương lai ngành thời trang. Bên cạnh đó, dữ liệu từ Bernstein cũng cho thấy ngành hàng xa xỉ đang rơi vào một vòng luẩn quẩn, với khả năng sụt giảm 2% vào cuối năm nay. 

Suy thoái, chiến tranh, rồi một cuộc chiến khác - và lần này là thương mại. Những chính phủ cực hữu lên nắm quyền, các đợt trục xuất hàng loạt. Nhìn lại, nửa đầu năm 2025 khiến người ta có cảm giác rằng thời kỳ đại dịch từng là giai đoạn ổn định hơn. Dù thời trang vẫn giữ vai trò là công cụ thoát ly thực tại mạnh mẽ, các biến động xã hội, chính trị và kinh tế đang tác động trực tiếp đến phần lớn người tiêu dùng có khả năng chi trả.

Chỉ số Căng thẳng Tiêu dùng (Consumer Stress Index) do Kearney Consumer Institute công bố cho thấy mức độ căng thẳng gia tăng gần như toàn diện tại các thị trường trọng điểm trong quý I/2025 so với quý IV/2024. Chính căng thẳng thương mại hiện đang nổi lên như một trong những yếu tố gây áp lực tinh thần lớn nhất và gia tăng nhanh chóng. Nếu như ở quý III/2024, chỉ 36% người tiêu dùng lo ngại tranh chấp thương mại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến họ, thì đến quý I/2025, con số này đã tăng lên 54%. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy khả năng “chịu đựng” của thị trường đang bị thử thách bởi một chu kỳ bất ổn kinh tế – chính trị mới, nơi chủ nghĩa dân tộc kinh tế, bảo hộ chuỗi cung ứng và các rào cản thương mại đang định hình lại toàn bộ cấu trúc của tiêu dùng thời trang toàn cầu.

Từ việc Hoa Kỳ khởi đầu quá trình siết chặt thương mại, đến việc Liên minh châu Âu tiếp tục mở rộng các biện pháp phòng vệ, ngành thời trang toàn cầu đang đứng trước giai đoạn bất định. Căng thẳng tiếp tục leo thang, trong khi kỳ vọng về một sự xích lại giữa châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu cụ thể. Cuộc họp thượng đỉnh song phương giữa Brussels và Bắc Kinh, dự kiến diễn ra trong tháng tới, sẽ là cột mốc quan trọng tiếp theo để xác định đường hướng của ngành trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế ngày càng phức tạp.

Recommended posts for you