Art & Design

Theo dấu nghệ thuật: Những biến thiên cảm xúc của Viva Magenta và 5 tác phẩm biểu tượng

Viện Sắc màu Pantone đã chọn Viva Magenta là Màu của năm 2023, nhưng nếu bạn đang muốn sử dụng gam màu này trong cuộc sống hàng ngày, dù qua quần áo, phụ kiện, màu tóc hay vật dụng trang trí nhà cửa, nên nhớ Viva Magenta có ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đến cảm xúc và tâm lý.

petal flower plant person art graphics business card text paper

Theo lý thuyết màu sắc

Đúng như tuyên bố của Pantone, Viva Magenta “pha trộn giữa sự ấm áp và mát mẻ, đồng thời là sự kết hợp giữa thế giới vật chất và thế giới ảo.” Viva Magenta đại diện cho sức mạnh, lòng dũng cảm và sự nổi loạn. Với gốc màu đỏ, gam màu rực rỡ này còn đồng nghĩa với sức sống, với tình yêu và đam mê cùng những cảm xúc mãnh liệt. Nằm ngoài dải quang phổ, magenta còn là biểu tượng cho sự độc đáo.

Nhưng mọi gam màu đều là con dao hai lưỡi. Magenta có thể gây cảm giác thiếu kiên nhẫn, khó chịu và thậm chí là tức giận, do đó khuyến cáo những người dễ bị lo lắng hoặc kích thích quá mức không nên lạm dụng.

person anime
Với Viva Magenta, có thể Vaporwave sẽ là một xu hướng thiết kế nổi trội trong thời gian tới. Ảnh: @piusbak

Magenta sẽ ngay lập tức thu hút ánh nhìn khi được sử dụng ở bất cứ đâu. Tuy không phải là một gam màu phổ biến, nhưng với đa tầng ý nghĩa như vậy, magenta vẫn được nhiều nghệ sĩ sử dụng nhằm lột tả đa dạng chủ đề cũng như cảm xúc phức tạp.

Lee Krasner - Desert Moon (1955) 

Mơ hồ thực-ảo

Desert Moon gây ấn tượng nhờ những gam màu tương phản: nhiều vệt đen, hồng và tím giận dữ chạy dọc trên nền màu cam, tạo cảm giác chuyển động trong cách sắp đặt tươi vui và ngẫu hứng. Sức nóng của sa mạc, sự dịu nhẹ của màn đêm được cô diễn tả trong ngôn ngữ của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng, và chính magenta là chất kết nối giữa thế giới thực và siêu thực.

Desert Moon được sáng tác năm 1955, là một phần của dự án collage mà nghệ sĩ Lee Krasner đang thực hiện lúc bấy giờ. Cô xé nát những bức tranh mình đã thực hiện trước đó và sắp xếp chúng thành tác phẩm mới. Theo giám tuyển Eleanor Nairne của Phòng triển lãm Barbican tại London, “để hiểu được [tác phẩm của Krasner], bạn hãy tưởng tượng đến việc phá hủy những tác phẩm mà mình đã dày công tạo ra, xé chúng thành từng mảnh. Thông qua quá trình của sự thất vọng này, Krasner đã tìm ra cách để tạo nên những thứ vĩ đại hơn cả mọi yếu tố cấu thành tác phẩm.”

modern art art painting
Trong một buổi phỏng vấn nhà phê bình nghệ thuật Barbara Rose, Lee Krasner cho biết: “Mặt trăng mang đến cho tôi nhiều cảm xúc hơn, mãnh liệt hơn – Nó tạo ra một động lực nào đó cho tôi.”

Jeff Koons - Hanging Heart (1994-2006)

Tình yêu

Hanging Heart (Magenta and Gold) được treo cách mặt đất khoảng 40cm bằng một đoạn ruy băng mạ vàng. Bề mặt của trái tim làm bằng thép không gỉ, phủ hơn 10 lớp sơn. Tác phẩm mất hơn 6000 giờ công để hoàn thành, khoảng 10 năm để đi từ ý tưởng đến thực tế, và là một phần trong chuỗi tác phẩm Celebration của Jeff Koons.

Anh bắt đầu chuỗi tác phẩm này sau cuộc ly hôn với vợ cũ Ilona Staller và phải chia xa với con trai. Nghệ sĩ cho biết Celebration là nỗ lực giao tiếp của anh với con: sử dụng ngôn ngữ hình tượng của con trẻ để mô tả những cột mốc kỷ niệm quan trọng của cuộc đời như ngày sinh nhật hay các ngày lễ hội, và đưa nó lên một tầm cao mới. Có thể nói, Hanging Heart (Magenta and Gold) bộc lộ tình yêu bản năng của một người cha dành cho con: Thứ tình yêu thuần khiết, trọn vẹn và rực rỡ nhất, được thể hiện trong gam màu magenta.

chandelier lamp symbol
Hanging Heart đặt ra câu hỏi: Liệu chúng ta có tin vào lời hứa về một tình yêu nhẹ bẫng? Hay khái niệm đó quá thiếu thực tế? Và đó là cách Jeff Koons treo khán giả lơ lửng, kinh ngạc trước sự tồn tại của nó.

Jean Michael-Basquiast - Flash in Naples (1983)

Tự họa

Flash in Naples là những mảng màu xanh lục, đỏ son và magenta; là chủ thể gần như đang nhảy ra khỏi bức tranh. Lấy cảm hứng từ phim hoạt hình và truyện tranh, tại đây Basquiat đang mô tả siêu anh hùng Flash nổi tiếng trong những năm 1960-1970. Flash in Naples đáng chú ý nhờ màu sắc rực rỡ và bề mặt được gia công cẩn thận để tôn lên chất liệu acrylic và dầu. 

Basquiat nhiều lần sử dụng văn hóa đại chúng để nói về các vấn đề chính trị-xã hội cũng đang xảy ra trong thế giới vi mô của phim hoạt hình dành cho trẻ em, như được mô tả trong hai nhân vật mang hình ảnh của The Flash. Hai nhân vật mang nét thô kệch, ngây thơ thể hiện niềm đam mê giải phẫu cơ thể của Basquiat – một mô-típ được anh sử dụng để khám phá chủ đề chủng tộc, bản sắc văn hóa và cái chết.

Tiêu đề bức tranh có thể đề cập đến một loạt phim hoạt hình, nhưng Flash in Naples cũng có thể được xem là một bức chân dung tự họa, một khoảnh khắc chiến thắng bất chấp định mọi cấu trúc và nguyên tắc.

modern art art painting person

Richard Anuszkiewicz - Deep Magenta Square (1978)

Ảo giác

Richard Anuszkiewicz là một nghệ sĩ tiên phong trong phong trào Op Art, kết hợp kiến trúc, hiệu ứng thị giác để tạo nên ảo ảnh Trompe L'Oeil. Op Art là một nhánh của Kinetic Art, gồm những tác phẩm có “hơi ấm” và “năng lượng tinh thần” của riêng nó. Một trong các tác phẩm nổi tiếng nhất của Anuszkiewicz mang tên Deep Magenta Square, được sáng tác vào năm 1978. Tác phẩm tạo ảo giác về chuyển động thông qua mối quan hệ tương phản giữa màu sắc.

Anuszkiewicz đã dành toàn bộ sự nghiệp để tìm tòi về các hiệu ứng quang học bằng cách điều chỉnh đường nét và màu sắc, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ngoạn mục và trường tồn với thời gian. Ông chia sẻ vào năm 1977: “Làm việc với những ý tưởng cơ bản luôn thú vị, và nếu một màu sắc hoặc một kỹ thuật có thể gây hứng thú về mặt thị giác một cách sâu sắc, nó vẫn sẽ thu hút chú ý trong 10-20 năm tới.”

purple modern art art pattern business card text paper

Mark Rothko - No. 3/No. 13 (Magenta, Black, Green on Orange) (1949)

(Có lẽ là) đau buồn

Được mệnh danh là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Mark Rothko, No. 3/No. 13 (Magenta, Black, Green on Orange) được thực hiện không lâu sau cái chết của người mẹ kính yêu vào năm 1949. Như mọi tác phẩm khác của ông, bức tranh có vẻ đơn giản nhưng chứa đựng mong muốn gợi tả cảm xúc sâu bên trong người nghệ sĩ thông qua màu sắc.

Một hiệu ứng “nhấp nháy” được tạo ra bởi khối màu xanh lá cây trên nền màu cam, nhưng có cảm giác magenta mới là phông nền cho mọi cảm xúc. Chuyển động nhẹ nhàng với các mảng màu nổi lên và chìm xuống là điểm nhấn của bức tranh. Màu sắc không bao giờ “phẳng” hoàn toàn mà có sự khác biệt về cường độ và độ mờ nhạt, một phần thể hiện quá trình sáng tác của nghệ sĩ.

Những bức tranh của Mark Rothko thường được mô tả như đang thể hiện một cảm giác “vô tận”. Tranh của ông được thực hiện để được ngắm từ một khoảng cách nhất định (45cm), như người xem đang được bao bọc bởi màu sắc. Tuy nhiên, màu sắc chỉ là một phương tiện cho một mục tiêu lớn lao hơn. Ông cho biết: “Tôi chỉ quan tâm đến việc thể hiện những cảm xúc cơ bản của con người – bi kịch, ngây ngất, diệt vong. Nếu bạn cảm động trước… màu sắc, bạn chẳng hiểu gì cả.”

painting art modern art

Recommended posts for you