Theo dấu nghệ thuật: “Nàng thơ” hay nạn nhân?
Nàng thơ là nhân vật được lưu danh muôn thuở trong tác phẩm nghệ thuật, được yêu thương chiều chuộng bởi cả người nghệ sĩ lẫn khán giả. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu cảm xúc và cơ thể liên tục bị khai thác làm chất liệu nghệ thuật? Liệu bạn có chịu được tình yêu từ một nghệ sĩ không tình thương?
“Ông cần máu thịt của người yêu ông,” Marina Picasso đã nói về ông nội của mình như vậy. Picasso vắt kiệt nước mắt của gia đình, tình nhân và con cháu. Trong mắt ông, phụ nữ là “cỗ máy chịu đựng đau khổ,” là “nữ thần hoặc tấm thảm chùi chân.” Ở cạnh Picasso đồng nghĩa với việc lờ đi hàng trăm cuộc tình vụng trộm và bị đối xử một cách rẻ rúng. Nhiều người yêu ông rơi vào trầm cảm, thậm chí đã tự kết liễu đời mình.
Một trong số đó là Marie-Thérèse Walter - nhân vật chính trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Picasso như Femme nue couchée, Le Rêve, Marie-Thérèse… Cô gặp họa sĩ vào năm 17 tuổi, khi ông đã kết hôn với người vợ đầu tiên Olga Khokhlova. 10 năm sau, khi cả hai đã có cùng nhau một đứa con gái, trong bức tranh Femme au béret et à la robe quadrillée, dáng vẻ của Dora Maar - người tình tiếp theo của ông lượn lờ trong từng nét vẽ. Khi bức tranh hoàn thiện vào năm 1937, Marie-Thérèse “đang trên đường ra đi rồi,” theo lời của Picasso. Francoise Gilot, một tình nhân khác của ông, so sánh ông với yêu râu xanh, một kẻ “muốn chặt đầu mọi người phụ nữ anh ta thu gom được.”
Ở một mảng nghệ thuật khác, Zelda Fitzgerald, cô vợ xinh đẹp, giàu có, nổi loạn của F. Scott Fitzgerald là hình mẫu cho nhân vật Rosalind Connage trong tiểu thuyết đầu tay This Side of Paradise của ông. Zelda từng bị tác giả nhốt trong nhà riêng, ngăn cấm cô xuất bản nội dung quyển nhật ký của cô, trong khi chính ông đã sử dụng những đoạn văn, cảm xúc và suy nghĩ của Zelda trong nhật ký để hình thành nên 3 quyển sách quan trọng nhất sự nghiệp, bao gồm Gatsby vĩ đại.
“Em hy vọng đứa bé sẽ là một cô nàng ngốc nghếch – điều tuyệt vời nhất có thể xảy đến với phụ nữ trong thế giới này, một cô nàng ngốc nghếch xinh đẹp.” Câu thoại nổi tiếng của nhân vật Daisy là lời chính Zelda đã nói sau khi hạ sinh đứa con gái đầu lòng.
Ta còn có Cynthia Powell, cô gái trung lưu đơn sơ, người vợ đầu tiên của huyền thoại John Lennon. Ông viết cho cô hàng loạt lá thư tình mùi mẫn, chắc hẳn đã đề tặng lời nhạc gián tiếp cho cô, nhưng khi nhắc lời bài hát liên quan đến Cynthia, người ta sẽ nghĩ đến Remember: “Tôi tàn nhẫn với người phụ nữ của mình. Tôi đánh cô ấy, chia lìa cô ấy khỏi tình yêu.”
Năm 1980, John Lennon thú nhận đã hành hung phụ nữ trong một bài phỏng vấn với Playboy, và nhấn mạnh rằng chính những sai lầm đó đã dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ, khiến ông sáng tác nhiều hơn về tình yêu và hòa bình. Trong cuốn sách của Cynthia, bà kể lại một lần bị John tát vào mặt khi ông nổi cơn thịnh nộ vì ghen tuông. Con trai của hai người, Julian Lennon cho biết: “Mẹ yêu nhiều hơn bố. Bố lúc nào cũng nói về tình yêu, nhưng không bao giờ thực sự trao đi thứ gì.” John từng bảo Julian là một đứa trẻ “không nằm trong kế hoạch,” và được “sinh ra từ một chai rượu whiskey.”
Dora Maar đến cuối đời vẫn được nhiều người biết đến chỉ với danh hiệu người tình của Picasso. Zelda Fitzgerald vốn là “flapper girl” đầu tiên của nước Mỹ, một biểu tượng văn hóa và là nguồn ảnh hưởng lớn đến tác phẩm kinh điển Gatsby vĩ đại nhưng ít ai biết đến cô. Thậm chí hôn nhân của Cynthia và John còn bị giữ kín để bảo vệ ban nhạc The Beatles đang trên đà danh vọng.
Yêu một người nghệ sĩ không có gì sai. Vấn đề xảy ra khi “nàng thơ” bị lợi dụng rồi bị ruồng bỏ khi nghệ sĩ không còn rung cảm trước vẻ đẹp của nàng, hoặc sau khi họ đã đạt đến một thành công nhất định, trong khi chính những nàng thơ này đã đưa người nghệ sĩ lên đến tầm cao mới. Cuộc sống riêng tư vốn đã gây sang chấn tâm lý nay còn được trưng bày khắp các triển lãm, được công chúng ca ngợi là thơ mộng, là đáng ghen tị. Nhưng là người trong cuộc, hẳn họ đã cảm thấy bất công, và bản thân chỉ là một đối tượng dễ thay thế.
Câu chuyện nàng thơ hay nạn nhân cũng đưa ra một câu hỏi khác vốn đang bị bỏ ngỏ: Việc tách biệt nghệ sĩ với nghệ thuật. Thích tác phẩm của Picasso, John Lennon hay Fitzgerald có đồng nghĩa với việc ta ủng hộ suy nghĩ, lối sống của họ hay không? Ta có phải thích toàn bộ con người nghệ sĩ hay không? Liệu nghệ thuật có dung thứ cho hành động của họ?
Không phải chúng ta nên đốt hết tác phẩm của những nghệ sĩ có cuộc sống riêng tư rối ren, nhưng chúng ta nên hiểu được mức độ nghiêm trọng của những hành động đó. Chúng ta có thể tôn vinh một tác phẩm và hiểu về những điểm gây tranh cãi đằng sau ý tưởng. Bởi vì bỏ qua “nàng thơ” là bỏ qua những dày vò mà họ phải chịu, là bảo vệ kẻ bạo hành và quên đi nạn nhân.
Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có thể tách biệt nghệ thuật với người nghệ sĩ, khi những trải nghiệm cá nhân, thế giới quan và cảm xúc của họ là thứ tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đồng thời, “vẻ đẹp nằm trong ánh mắt kẻ si tình.” Nghệ thuật cũng là một trải nghiệm cá nhân đối với khán giả. Vì vậy ta phải chịu trách nhiệm về nó. Gọi một người bạo hành bằng đúng danh xưng của họ, giới thiệu một tác phẩm đầy ý nghĩa được hình thành từ những suy nghĩ lệch lạc, trao tiếng nói cho nạn nhân… là những thứ chúng ta có thể làm.
Tác phẩm nghệ thuật chứa đựng lịch sử về suy nghĩ và quyết định của một người nghệ sĩ. Và khán giả hoàn toàn xứng đáng được biết những câu chuyện đằng sau tác phẩm, những quyết định dẫn đến tác phẩm này.