Nhà thơ trẻ Tâm Nguyễn: "Để tiếp tục tư duy, mình phải tiếp tục viết"
Tâm Nguyễn không chỉ là một người viết trẻ, một người lao động văn hóa, mà còn được ghi nhận như một cá nhân thực hành nghệ thuật có chiều sâu. Thực hành của Tâm liên đới giữa viết sáng tạo, phóng sự, và nghiên cứu xoay quanh các chủ điểm lịch sử, văn hóa, ký ức, và nghệ thuật đương đại ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Sáng tác của Tâm đã nhận được đề cử cho giải văn học Pushcart năm 2021 ở mảng thơ. Tâm hiện đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Fulbright Việt Nam.
Chào Tâm, cám ơn bạn đã nhận lời phỏng vấn với L'Officiel Vietnam, trong bio và sự hiện diện trên mạng xã hội của mình, Tâm luôn nhấn mạnh vào thơ. Nguyên cớ hay sự kiện đặc biệt nào đã đưa Tâm đến với thơ cũng như bày tỏ sự quan tâm của mình thực hành nghệ thuật đương đại nói chung?
Cảm ơn L'Officiel đã nghĩ đến Tâm cho buổi phỏng vấn lần này. Đối với Tâm, mình sẽ đơn thuần nói về bản thân trước hết là một người viết (tức người làm việc và thử nghiệm với ngôn ngữ), sau là một người làm nghiên cứu (tìm hiểu về các chủ thể thông qua diễn đạt tối ưu nhất của ngôn ngữ); và tình cờ, thơ lại là một liên đới khá sòng phẳng giữa hai thực hành trên, nên mình bắt đầu hành trình viết sáng tạo với thơ.
Ngoài ra, thực hành nghệ thuật bằng phương pháp nghiên cứu (research-based art practice) cũng là một trong những mối quan tâm lớn của rất nhiều nghệ sĩ đương đại (mặc dù không phải tất cả). Nên suy cho cùng, mối quan tâm của mình dành cho cả viết lách và nghệ thuật luôn đi đôi với nhau, bổ trợ cho nhau hầu hết thời gian. Còn về “nguyên cớ đặc biệt” mà bạn hỏi, có lẽ là kể từ khi mình nhận ra thực hành nghệ thuật vẫn luôn là một hình thức phản biện xã hội quan trọng.
Trong một buổi đọc thơ gần đây tại đại học Fulbright, nhà văn Khải Đơn đã ví những bài thơ của Tâm như “một đứa trẻ bảo bọc trong bụng mẹ, thì thầm về nỗi buồn của người cha, về hơi thở của vùng quê nhỏ còn đằng đẵng ký ức súng đạn và bom mìn nửa thế kỷ sau”. Thơ của Tâm có chất chứa dòng suy tư hoài cảm về gia đình, nỗi u uẩn đau thương gắn liền với xung đột về chính trị. Tâm nghĩ những điều này được vun đắp từ trải nghiệm có thật của Tâm hay đó là chất liệu mà bạn tìm tòi, khám phá xung quanh?
Mình gặp chị Khải Đơn lúc chị đang hoàn thành chương trình Thạc sĩ (MFA) tại đại học Bang San José, Mĩ. Lúc đấy mình và chị Khải Đơn cùng chia sẻ về trang mạng xã hội cá nhân một bài báo của The New York Times viết về tập thơ Deaf Republic của nhà thơ người Mỹ gốc Ukraine Ilya Kaminsky trong thời điểm mà những nhen nhóm của xung đột Nga-Ukraine và đảo chính biến ở Myanmar bắt đầu trôi nổi trên Internet.
Sau khi chào hỏi trên mạng xã hội, mình và Khải Đơn đã nói chuyện rất nhiều về Kaminsky, về vai trò của ngôn ngữ cũng vai trò của người viết trong bối cảnh bất ổn chính trị quốc tế. Một thời gian thì cuộc suy tư này dần vượt ra ngoài khuôn khổ của khung chat, thế là bọn mình lôi cuộc trò chuyện này lên một trang Google docs nhỏ, nơi mà Tâm và Khải Đơn nhìn lại quá trình học viết của bản thân.
Ở một đoạn của đối thoại, Khải Đơn hỏi: “does language contain so much of our existence?” (“phải chăng ngôn ngữ chứa đựng quá nhiều sự tồn tại của ta?”) Câu hỏi của chị khiến mình hiểu ra rằng thực hành ngôn ngữ là một cái gì đó rất cá nhân, nhưng không có nghĩa là nó sẽ chỉ tồn tại trong hiện sinh của người viết. Ngôn ngữ là một chủ thể được chi phối bởi những dòng chảy lịch sử, xã hội, chính trị mà đôi lúc chính bản thân người viết không thể kiểm soát. Và khi ta không thể kiểm soát, ta phải lùi lại để nhìn nhận và phản biện.
Cả Tâm và Khải Đơn đều có mối quan tâm chung về gia đình và ký ức (cả hai đều được thừa hưởng những câu chuyện về trải nghiệm thời chiến của ông bà, ba mẹ). Những câu chuyện đó mang lại ảnh hưởng gián tiếp lên tư duy và nhìn nhận của thế hệ trẻ sau này. Bọn mình sợ hãi điều đó vì xã hội đương đại là nơi mà các diễn ngôn (một thứ cũng được vật chất hóa bằng ngôn ngữ) luôn bị kiểm soát bởi quyền lực mềm. Trong tình huống như thế, bản năng người viết biến nỗi sợ thành một sự thức đẩy, và đồng thời là một lời cảnh báo, nếu tiếp tục hành động tư duy. Và để tiếp tục tư duy, mình phải tiếp tục viết.
Bạn và độc giả có thể xem toàn bộ cuộc trao đổi tại đây: https://nguyenthanhminhtam.wixsite.com/builddahome/on-language
"Và để tiếp tục tư duy, mình phải tiếp tục viết."
Vậy đây có phải là nội dung mà Tâm thường muốn nói đến hay nghĩ nhiều nhất trong quá trình sáng tác? Hay còn một mối quan tâm nào mà công chúng chưa biết đến?
Sáng tạo với ngôn ngữ cho phép mình tiệm cận bề ngang và bề dọc của tư duy. Bề ngang là những trải nghiệm, cảm xúc cá nhân và ký ức; bề dọc là quang cảnh chính trị, xã hội. Chính về thế, những mối quan tâm của mình trải dọc hai trục vuông góc này, nhưng đồng thời lại không có đường biên rõ ràng. Đây có lẽ là một trong những thứ Tâm cần cải thiện trong thời gian tới; nếu không phải là khảo nên những đường biên rõ ràng hơn thì ít nhất là sẽ chủ động và ý tứ hơn về mối quan tâm.
Tâm từng viết một bài thơ về cái chết của một chú chó, và thông qua đó, chiêm nghiệm về vai trò của người cha trong bối cảnh gia đình phụ hệ. Mới đây, Tâm lại viết một tiểu luận về những cơn bão, và thông qua đó nghĩ về tính biểu hiện của bạo lực có hệ thống, về một cuộc thảm sát thuộc địa gắn liền với lịch sử vi mô của một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh, về sự tương quan giữa quá trình hình thành các quốc gia-dân tộc (nation-states) và mối quan hệ giữa mẹ và con – tất cả đều bắt đầu từ một video săn bão của anh chàng nọ mà Tâm bắt gặp trên YouTube. Tưởng như không liên quan nhưng lại rất liên quan.
Bài thơ nào từng khiến Tâm mất nhiều thời gian, hoặc ám ảnh bạn nhất?
Bài thơ làm mình mất nhiều thời gian nhất có lẽ là Linda (được xuất bản trên Red Ogre Review, môt tạp chí văn học tại Vương Quốc Anh vào tháng 11, 2022). Tháng 6, tháng 7, tháng 8 ở miền Tây là thời điểm bước vào mùa mưa, và cùng với đó là sự kiện bão Maon đổ bộ vào Đông Nam Á từ Hongkong, khiến mình suy nghĩ về cách mà người ta đối phó, phản ứng với thiên tai. Mình làm một số nghiên cứu nhỏ về bão Linda – cơn bão có sức công phá lớn nhất và ảnh hưởng sâu sắc nhất ký ức tập thể của người dân Việt Nam.
Nhưng đối với bài thơ này, mình nhận ra rằng mình đang tiến vào một vùng nguy hiểm của thực hành viết. Vì không được trực tiếp trải nghiệm khoảng không-thời gian của sự kiện, đòi hỏi mình với vai trò người viết bên cạnh khai thác thông tin từ nghiên cứu, phải tưởng tượng một trải nghiệm tập thể của sự kiện đó. Hành vi “tưởng tượng”, theo nhận định của Tiến sĩ Marian Poster Roses trong tiểu luận “Words”, là một hành vi diễn ra khi thiếu đi quá trình tiếp cận, chứng kiến các chuyển biến địa-chính trị hoặc vô tình né tránh những thông tin này, và vì thế, làm mất đi căn tính và làm thui chột/hoặc diễn dịch sai lệch ký ức cục bộ - một thứ đã vốn đã đứng trên bờ vực bị biến mất, xóa sổ. Cả nghệ sĩ lẫn các kinh viện đều đã rơi vào cái bẫy này không ít lần.
Mình đã viết Linda dưới trải nghiệm tưởng tượng của một người con trai trưởng của một gia đình ngư dân ở Cà Mau lúc Linda đổ bộ và sẵn sàng đối mặt với những sai lệch từ hành động tưởng tượng. Mình đã thử nghiệm với một vài ý niệm, bao gồm giả lập trải nghiệm định-giới tính (gendered experience) của một cá nhân sống trong gia đình phụ hệ, và cùng với đó là biện pháp nhân hóa thiên tai như một người phụ nữ vì đó là một trong những vấn đề mình quan tâm ở thời điểm hiện tại dưới góc nhìn của một người queer. Mình không tự hào về bài thơ này vì đã có thể cẩn thận hơn về mặt ý niệm, nhưng thông qua quá trình sáng tác, nó khiến mình nhìn lại về tính luân lý và quyền lực độc đoán của người viết trong thực hành của chính mình.
Ở bước đầu hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ thường chịu ảnh hưởng từ một hoặc một vài người khác. Với Tâm, ai là người ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động nghệ thuật của bạn, và ảnh hưởng đó lớn đến mức nào? Bạn sẽ làm gì để dần thoát khỏi ảnh hưởng đó và tạo dựng phong cách riêng trên con đường sáng tác của mình?
Một trong những cây bút mình vẫn rất quý trọng và vẫn luôn mong muốn có cơ hội được uống trà chiều cùng là Maggie Nelson (tác giả của cuốn tự truyện Bluets và The Argonauts), Kaveh Akbar (nhà thơ người Mĩ gốc Iran, tác giả của tập thơ Calling a Wolf a Wolf và Pilgrim Bell), và gần đây nhất là nhà văn Lauren Hough (tác giả của cuốn hồi kí Leaving Isn’t The Hardest Thing). Nếu Nelson là một trong những tác giả hiếm hoi sử dụng lý thuyết văn hóa, nhân học để làm nền móng cho thực hành viết sáng tạo – người tìm ra ý nghĩa từ những sự kiện cá nhân rời rạc nhất, Akbar sẽ là một kim chỉ nam trong quá trình tìm về đời sống tâm linh và ngôn ngữ mẹ đẻ, còn Hough sẽ là người cho mình thấy ta hoàn toàn có thể viết về những khốn cùng của xã hội bằng một phong cách đả phá và ương ngạnh mà vẫn đem lại sức ảnh hưởng lớn. Mình vẫn chưa thoát khỏi tầm ảnh hưởng của bất kỳ những tác giả nào, và vẫn không có ý định làm thế.
Khi sáng tác, bạn có quy tắc nào của riêng mình, mà nhất định phải làm theo?
Một trong những thực hành mình học được từ cả ba tác giả nói trên là sử dụng nghiên cứu để dẫn dắt quá trình sáng tác. Còn riêng với Kaveh Akbar, mình học được chiêu khởi động não bộ rất thú vị của anh. Akbar là một người nghiện ngồi quán café (và hầu hết những sáng tác của mình cũng lại tình cờ ra đời ở một quán café nào đó). Mỗi sáng ở bàn café, anh sẽ lôi ra một chồng sách đa dạng thể loại, từ thơ cho đến tiểu thuyết, tự truyện, sách kinh tế, nghiên cứu khoa học, sách tôn giáo v.v., rồi ngồi bốc ra những từ/cụm từ mà anh thấy thú vị. Sau khi đã có một danh sách tầm một trăm từ, anh sẽ bắt đầu sử dụng chúng để viết thơ. Với phương pháp này, Akbar đã chạm vào tính ngẫu nhiên của ngôn ngữ để tạo ra những biểu mẫu có ý nghĩa (mà ở đây chính là bài thơ), vì đôi khi những hình ảnh mang lại ấn tượng mạnh nhất lại được tạo ra từ hai từ ngữ với bối cảnh và hệ quy chiếu rất khác nhau. Tính ngẫu nhiên cũng là một trong những thú vui của viết sáng tạo, và mình đã sử dụng phương pháp này được hơn hai năm rồi.
Tâm nghĩ vì sao nghệ thuật lại có sức ảnh hưởng đến bạn nhiều như vậy?
Là một người nghiên cứu về nghệ thuật và văn hóa bên cạnh thực hành viết sáng tạo, Tâm hiểu rằng nghệ thuật là một thực thể mang tính liên ngành. Còn với thơ, Tâm bắt đầu bằng một mong muốn rất ích kỉ: mình muốn diễn giải những vấn đề cá nhân một cách rõ ràng. Những người thực hành nghệ thuật hay viết lách đã đối mặt với cùng một vấn đề này từ rất lâu, nên nghiễm nhiên khi bước vào thực hành tương tự, ta tự sản sinh ra suy nghĩ về một sự đoàn kết huyễn hoặc giữa những người có cùng mối quan tâm.
Nhưng có lẽ đây cũng là cái hay của nghệ thuật, nó cho ta thấy có những ai đang cùng suy ngẫm về những thứ mình đang suy ngẫm, dù không nhất thiết phải có câu trả lời. Ví dụ như tương tác giữa mình với Khải Đơn - mình và chị đều có những mối quan tâm về Mekong nhưng Khải Đơn có nhiều kinh nghiệm điền dã khi viết sách về Mekong hơn, còn Tâm thì quan tâm đến những nghệ sĩ đương đại đã và đang thực hiện các tác phẩm về di sản văn hóa/tâm linh của vùng đất này (như nghệ sĩ Thảo Nguyên Phan). Cả hai đều viết về cách hiểu cũng như mối quan hệ của mình với Mekong rất khác nhau, nhưng chính sự khác biệt đó lại là tiền đề cho những cuộc đối thoại rất ý nghĩa.
Có thể thấy đối với bối cảnh trong nước, thơ đương đại vẫn còn khá mới mẻ, Tâm có cảm thấy gặp nhiều cản trở khi đưa thơ ca của mình đến với độc giả trong nước?
Đúng là một người thực hành thơ bằng tiếng Anh và luôn luôn thử nghiệm với thể thơ cũng như ngôn ngữ thơ, độc giả sẽ bị giới hạn ở một vài cộng đồng nhất định. Vì thế Tâm vẫn luôn chủ động tìm đến những người có mối quan tâm về thực hành nghệ thuật nói chung để có những cuộc thảo luận về vấn đề này. Một số tổ chức ở Việt Nam hiện đang thực hiện mô hình nhóm đọc (reading groups) nhằm đối thoại, phổ cập kiến thức về văn hóa và nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam, khu vực và thế giới. Những sự kiện này sẽ góp phần không nhỏ cho việc hiểu và hình dung rõ ràng hơn về những thực hành của nghệ sĩ/tác giả đương đại. Tâm rất lạc quan về sự chuyển biến này.
Được biết Tâm đang là sinh viên năm cuối của một trường quốc tế, các tác phẩm nghệ thuật hoặc những giải thưởng, nhóm thơ bạn quan tâm đều dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Ngoài ra, các sáng tác của bạn cũng dùng tiếng nhiều hơn. Vậy phải chăng, tiếng Anh gợi cho bạn nhiều cảm xúc hơn khi sáng tác?
Ngôn ngữ tiếng Anh là một trong những vũ khí sớm nhất và hiệu quả nhất trong tiến trình lịch sử thuộc địa. Khi đô hộ một bộ phận người, chính quyền thuộc địa sẽ chọn việc thuần hóa ngôn ngữ tiên quyết, từ đó dẫn đến chiếm dụng văn hóa, thuần hóa căn tính của chủ thể thuộc địa (hay giới nghiên cứu sử học gọi là “colonizing the mind and body of the colonial subjects”). Phải có lý do tiếng Anh vẫn là lingua franca của xã hội đương đại – nó là một trong những dấu tích từ quá trình phân phát thuộc địa của những khối quyền lực Tây-Âu, và nó vi mô đến độ ăn sâu vào tiềm thức của cư dân trên khắp địa cầu và trở thành một hiện tượng nghiễm nhiên.
Việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để sáng tác, nhưng với một tư duy địa phương và cục bộ đối với Tâm là một hình thái phản biện chủ động, đặc biệt trong bối cảnh ở Mĩ-châu Âu - nơi mà những sáng tác của các tác giả người da trắng vẫn đang chiếm vị thế cao hơn. Nó là một hành vi nhằm tái thiết những cấu thành nghiễm nhiên gắn liền với cấu trúc quyền lực với xuất phát điểm là thực hành sáng tạo. Dĩ nhiên đây không phải là chuyện ngày một ngày hai hay chỉ một cá nhân là làm được, hay thậm chí có những trường hợp nghệ sĩ/người sáng tạo rơi vào trạng thái huyễn hoặc rằng thực hành nghệ thuật sẽ thay đổi thực trạng xã hội một cách tức thì. Những sáng tạo nghệ thuật để lại ảnh hưởng nhất định, nhưng nó sẽ cần nhiều hơn một cử chỉ phản kháng hay phê phán đơn thuần. Nghệ thuật không (nên) tồn tại trong một khoảng chân không.
Nói một chút về tương lai, Tâm có ý định cho ra đời một tập thơ của mình trong thời gian sắp tới?
Tâm chưa đi đến trạng thái sẵn sàng để xuất bản bất kì tập thơ nào, ít nhất là trong hai đến ba năm tới. Vốn là một người học và nghiên cứu chủ yếu về lịch sử nghệ thuật, Tâm cũng tự nhận là mình thiếu đi những tài nguyên và kiến thức liên quan đến thực hành viết sáng tạo. Vì thế, quá trình tìm tòi, khám phá và thử nghiệm với ngôn ngữ sẽ dài hơi hơn đối với Tâm, và mình vẫn đang di chuyển rất chậm trong quá trình đó.
Cám ơn Tâm vì những chia sẻ thú vị về quá trình thực hành nghệ thuật