#FamilyIssue Khi tài năng nghệ thuật trở thành bảo vật gia truyền
Bảo vật gia truyền không phải lúc nào cũng là thứ có thể cầm nắm được. Ở nhiều gia đình, thứ đáng quý nhất được lưu truyền là một di sản nghệ thuật được kế thừa và nối tiếp.
Lịch sử nghệ thuật thế giới đã chứng kiến không ít những gia đình nghệ sĩ, nơi mà tài năng được truyền từ cha sang con, từ anh sang em. Nghệ thuật là một phần không thể thiếu trong DNA của những gia đình này. Môi trường sáng tạo, truyền cảm hứng từ thế hệ trước, và thậm chí cả những yếu tố di truyền đã tạo nên một "dòng máu nghệ thuật" chảy trong huyết mạch. Tuy vậy, thứ nằm trong dòng máu không đồng nghĩa với thành công hay danh tiếng. Những nghệ sĩ sau đây, tuy không nổi tiếng như người cùng gia đình, nhưng họ cũng là những nghệ sĩ có phong cách, kỹ năng và di sản nghệ thuật của riêng họ.
Ernst Klimt – Em trai của Gustav Klimt
Ernst kém Gustav hai tuổi, nhưng đã nhập học Trường Thủ công và Nghệ thuật Hoàng gia (nay là Đại học Nghệ thuật Ứng dụng Viên) với anh mình từ năm lên 13. Tại đây, tài năng đã giúp hai anh em nhận nhận học bổng cho các lớp học phác thảo và vẽ tranh, đồng thời cho phép hai anh em, cùng bạn học Franz Matsch, tham gia thực hiện các đơn đặt hàng của giáo sư hướng dẫn.
Từ năm 1882 đến năm 1892, bộ ba họa sĩ này đã thực hiện nhiều bức tranh trên trần các cung điện tư nhân ở Viên, cũng như trang trí và làm rèm cửa cho các nhà hát tỉnh lẻ. Theo các tư liệu ghi nhận về phân bổ công việc, Gustav Klimt và Franz Matsch chịu trách nhiệm thiết kế chủ chốt, trong khi Ernst chủ yếu đóng góp vào các tác phẩm nhỏ, ngoại vi, chẳng hẹn như những bức tranh trước màn sân khấu. Hai người anh lớn cũng nắm giữ mối liên hệ với khách hàng - chữ ký của Ernst Klimt hiếm khi xuất hiện trên thư từ.
Các tác phẩm quan trọng nhất mà Ernst Klimt đã thực hiện cùng anh trai và Franz bao gồm trang trí cho nhà hát Burgtheater tại Viên - nhà hát tiếng Đức quan trọng nhất và một trong những nhà hát quan trọng nhất thế giới. Ernst thậm chí còn nhận được Huân chương cống hiến Chữ thập Vàng vào năm 1888 nhờ dự án này.
Năm 1891, Ernst Klimt kết hôn với Helene Flöge, con gái của một chủ nhà máy đáng kính trọng, cũng là chị gái của Emilie Flöge – nhà thiết kế, doanh nhân, sau này trở thành bạn đời của Gustav Klimt và được cho rằng là nhân vật chính trong bức tranh The Kiss trứ danh. Không may, Ernst đột ngột qua đời vì suy tim vào năm 1892, khi chỉ mới 29 tuổi, và con gái của ông chưa đầy sáu tháng. Gustav Klimt đã nhận quyền giám hộ với cô bé này, chăm sóc bà góa Helene, đồng thời hoàn thiện những bức tranh còn đang dang dở của Ernst.
José Ruiz y Blasco – Bố của Pablo Picasso
José Ruiz y Blasco, biệt danh “Pepe”, dạy vẽ tại Trường Nghệ thuật Málaga, đồng thời là giám tuyển tại bảo tàng thành phố. Với tư cách là một nghệ sĩ, ông được biết đến nhờ các bức tranh phong cảnh, tĩnh vật và động vật hoang dã, chủ yếu là chim và thú săn. Người ta bảo rằng gu thẩm mỹ của Pablo là do ông truyền lại. Danh họa ngày bé thường xuyên ngồi xem bố vẽ, và hai người sẽ tham quan bảo tàng cùng nhau. José luôn bên cạnh Pablo trong hành trình nghệ thuật, khi thì ngồi mẫu cho Pablo, lúc lại đăng ký một khóa học vẽ cho Pablo, thuê studio cho Pablo vẽ… Ông cũng là giáo viên mỹ thuật đầu tiên của Pablo, và khi Pablo được 13 tuổi, José nhận ra tài năng của con trai đã vượt xa khả năng của bản thân, ông đã tặng bộ màu-cọ cho Pablo và thề rằng sẽ không bao giờ động đến chuyện vẽ vời nữa.
Ảnh hưởng của José hiển hiện rõ rệt trong các bức tranh của Pablo Picasso. Danh họa thường xuyên vẽ chim bồ câu bởi bố của ông vừa đam mê nuôi chim bồ câu vừa thích vẽ loài chim này; hay vẽ trường đấu bò bởi ngày xưa bố hay dẫn Pablo đến nơi đây; hay như nghệ sĩ từng chia sẻ với nhiếp ảnh gia Brassaï vào năm 1943: “Mỗi khi tôi vẽ đàn ông, tôi bất giác nghĩ về bố. Đối với tôi, người đàn ông ấy là ‘Don José’, đó là chân lý của cuộc đời tôi. Ông ấy nuôi râu. Mọi người đàn ông tôi vẽ đều có nét gì đó hao hao ông ấy”.
Mối quan hệ cha-con giữa Jose và Pablo vẫn luôn nằm giữa những cuộc thảo luận trái chiều, với nhiều ý kiến cho rằng gia đình danh họa chứa đầy biến động, nhưng theo nhận định của Bảo tàng Picasso tại Barcelona, dường như mâu thuẫn giữa José Ruiz và Picasso chỉ đơn giản là vấn đề khoảng cách thế hệ, bởi hai người cách nhau tận 40 tuổi, “José Ruiz luôn là người của thế kỷ 19 và ngược lại, Picasso đã bước vào thế kỷ 20 với một tâm thế hướng về tương lai”.
Marie Raymond – Mẹ của Yves Klein
Ngày nay, Yves Klein là một danh họa nổi tiếng toàn cầu, nhưng nếu trở về những năm 1950 tại Pháp, ta sẽ dễ bắt gặp một bức tranh của Marie Raymond - mẹ của Yves hơn cả. Từ năm 1945, Marie đã gây dựng được di sản nghệ thuật của riêng mình, thậm chí bắt đầu sử dụng tên thời con gái, “Raymond”, để tách biệt nghệ thuật của mình với sự nghiệp của chồng - họa sĩ tượng hình (figurative painter) Fred Klein. Sau đó, triển lãm Peinture abstraite mang lại một bước ngoặt mới trong sự nghiệp của Marie, củng cố vị trí tiên phong của bà trong phong trào avant-garde. Bà được vinh danh là một trong năm họa sĩ quan trọng nhất phong trào trừu tượng thời Hậu chiến.
Ảnh hưởng của bà không chỉ gói gọn trong tranh mà còn lan tỏa đến khía cạnh xã hội của nghệ thuật. Vào thứ Hai hàng tuần, những người bạn của vợ chồng Marie Raymond, bao gồm nghệ sĩ, nhà phê bình, nhiếp ảnh gia và chủ phòng tranh sẽ tụ tập tại Lundi de Raymond, căn hộ của bà trên phố d’Assas để giao lưu và ủng hộ lẫn nhau. Marie đã tạo ra một không gian giúp các nghệ sĩ tiềm năng tỏa sáng, một nơi hình thành nhiều diễn ngôn, mối quan hệ và màn cộng tác ý nghĩa cho giới nghệ thuật lúc bấy giờ.
Yves Klein cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của mẹ, dễ thấy nhất qua mối quan tâm của nghệ sĩ dành cho những gam màu rực rỡ và chủ đề tâm linh. Hai mẹ con rất thân thiết, đến mức “ta phải hiểu được tầm ảnh hưởng sâu sắc của Marie lên Yves mới có thể hiểu được chiều sâu và năng lượng trong các tác phẩm của Yves”, theo nhà phê bình-giám tuyển Rober Fleck. Và khi Yves Klein qua đời vì một cơn nhồi máu cơ tim khi chỉ mới 34 tuổi, một mảnh con người trong Marie Raymond cũng ra đi. Lúc này, nghệ thuật của bà chuyển hướng sang nắm bắt thế giới tâm linh và triết học phương Đông. Nỗi bất bình hóa thành tranh trong chủ đề vũ trụ và biểu tượng tâm linh. Sau khi qua đời, Marie Raymond được chôn cất cạnh con trai.
Tổng hợp