Cluttercore: Sự đối đầu của Gen Z với chủ nghĩa tối giản
Hỗn loạn, lộn xộn, choáng ngợp là những tính từ được dùng để miêu tả Cluttercore - xu hướng trang trí nội thất của Gen Z đang dần thay thế minimalism.
Cluttercore nổi lên thành một hiện tượng trên mạng xã hội trong giai đoạn dịch Covid-19 mới bùng phát. Nhiều người phải cách ly tại nhà, cảm thấy chán ghét không gian sống không đúng với sở thích cá nhân. Họ ghi hình, chia sẻ quá trình cách tân ngôi nhà và nhanh chóng tìm thấy cộng đồng những người cùng chí hướng. Đến nay, hashtag #cluttercore đã có gần 60 triệu lượt xem trên TikTok và khoảng 25.6 ngàn bài đăng tải trên Instagram.
Khó có thể đưa ra định nghĩa cụ thể cho Cluttercore cũng như những yếu tố chính cấu thành phong cách nội thất này, nhưng một số vật dụng thường thấy là cây cảnh, tranh treo tường, gối ôm và tất nhiên, số lượng nhiều đến choáng ngợp. “Clutter” trong tiếng Anh có nghĩa là “lộn xộn, bừa bãi,” nhưng Cluttercore lại là “sự hỗn độn có tổ chức.” Sẽ không có quần áo chồng chất trên giường, hay cáp sạc đồ điện tử rối tung ở góc phòng, Cluttercore trông có vẻ bừa bộn nhưng mọi thứ đều đang ở đúng vị trí của nó.
“Cluttercore rất thú vị vì bạn CẦN phải có cá tính và sở thích chuyện biệt mới có thể đến với phong cách này” - Hannah Martin, Architectural Digest.
Một căn phòng đầy đồ đạc có thể hơi choáng ngợp, nhưng đó chính là lý do Gen Z yêu thích cluttercore - bạn ngay lập tức tìm ra những người thích phán xét chỉ sau 1 cái nhìn. Tương tự như chuyện tìm hiểu một người, Cluttercore đòi hỏi công sức thu thập, khám phá thông tin. Càng nhìn kỹ căn phòng, bạn càng tìm thấy nhiều điểm lý thú về tính cách của gia chủ. Cluttercore cũng không quá cứng nhắc mà có thể kết hợp cùng nhiều phong cách trang trí khác như Dark Academia, Cottagecore, tùy theo sở thích của bạn.
Lấy ví dụ về căn nhà #cluttercore của Veronica (@gorgonglare), chúng ta có thể thấy niềm đam mê của cô nàng với họa tiết trong mọi hình dáng và màu sắc. Bức tường hoa lá làm nền cho một lò sưởi màu hồng, đặt trên sàn kẻ ô trắng đen cùng khung chắn lửa màu vàng. Vô tư, không đoái hoài đến nguyên tắc. Thậm chí nhà cây cho mèo cũng được bọc vải da beo bắt mắt. Vật dụng trang trí quanh ngôi nhà cũng sử dụng mô típ mèo từ tranh vẽ, chậu cây đến cốc uống nước. Ánh sáng tự nhiên được sử dụng triệt để, biến thành cầu vồng qua những lăng kính khúc xạ, thể hiện gu màu sắc cũng như xu hướng tính dục của Veronica. Một góc nhỏ được sử dụng để trưng bày sách, truyện tranh, búp bê hoạt hình mà cô sưu tầm.
“Phong cách của tôi giống như một bà cô già đã xuống lỗ từng sống trong một căn nhà bị ma ám vậy. Tôi muốn khách đến chơi cảm thấy thoải mái, được quan tâm chu đáo, nhưng hy vọng họ cũng cảm thấy lo lắng và nghi ngờ nữa.” Cody (@curiouscodyy) đã gián tiếp nhận xét như vậy về căn nhà của mình. Hình trắng đen, phim polaroid treo trên tường tạo cảm giác hoài niệm. Những quyển sách bìa da cùng khung gương gỗ được chạm trổ cầu kỳ đặt bên cạnh ánh nến lập lòe. Những chi tiết dát vàng giúp tôn lên vẻ cổ kính và cuối cùng, ấn tượng nhất là bộ xương thú đặt ngay trên lò sưởi. Cây cảnh, xuất hiện dưới dạng tranh vẽ hoặc chậu cây thật, là một yếu tố dung hòa mọi vật dụng trang trí trong ngôi nhà.
Cuối cùng, ta có Evie (@notmadjustdisappointed) cùng căn phòng Cluttercore chủ đề âm nhạc khiến mọi người ghen tị vì vẻ ngoài không thể nào ngầu hơn. Những poster hiếm hoi của David Bowie, ban nhạc Ramones, Queens nằm đối diện bộ sưu tập đĩa than ấn tượng, thắp sáng bằng ánh đèn huỳnh quang màu sắc, tạo cảm giác như đang ở một câu lạc bộ bí mật. Evie còn sử dụng bìa tạp chí âm nhạc Melody Maker và Vogue, những bản in tác phẩm của Andy Warhol, Leonardo da Vinci để thêm thắt nét nghệ thuật cho căn phòng. Nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy những tấm phim polaroid được dán một cách ngăn nắp trên tường, một góc kỷ niệm của riêng bạn.
“Phòng mình bừa nhưng mình biết chắc chắn mọi thứ đang nằm ở đâu,” là câu nói thường nghe từ một tín đồ phong cách này. Căn phòng Cluttercore toát lên hơi ấm của người sử dụng, mang dấu ấn cá nhân đậm sâu, trái ngược hoàn toàn với căn phòng trắng muốt chỉ có mỗi chiếc sofa cùng vài bức tranh treo tường của chủ nghĩa tối giản. Một căn nhà theo phong cách Cluttercore cần rất nhiều thời gian và công sức để hoàn thiện, nên không được làm ra cho vài tấm hình trên mạng xã hội, mà phục vụ nhu cầu, sở thích của gia chủ. Mỗi tổ ấm đều được xây dựng từ lòng chân thành, có chiều sâu và nhiều tầng lớp ý nghĩa.
Số lượng vật dụng choáng ngợp dẫn đến những chỉ trích về sự tiêu dùng quá mức, nhưng sự phê bình này có vẻ không hợp lý khi mọi thứ trong căn nhà Cluttercore đều đã được tuyển chọn cặn kẽ, đều cần thiết và được yêu thương: Cuốn sách được ngấu nghiến nhiều lần, đĩa than được đặt lên máy hát mỗi cuối tuần, ánh đèn thủy tinh phản chiếu từ tia nắng đến ánh trăng... Bên cạnh đó, Gen Z thường xuyên săn lùng những món đồ cho Cluttercore từ những cửa hàng đồ cũ, chủ yếu do ngành nội thất vẫn đang được thống trị bởi thế hệ Millennials và chủ nghĩa tối giản. Micah, một trong những người tiên phong và đặt tên cho Cluttercore tâm sự:
“Cluttercore không hề cổ xúy việc tích trữ rác thải hay vật dụng không cần thiết, mà là trân trọng những thứ vốn đã thuộc về mình.”
Cluttercore cho chúng ta cảm giác được “thuộc về” một nơi chốn của riêng mình, về một cộng đồng có cùng sở thích nhưng tính cá nhân vẫn hiện diện rõ rệt. Thoạt nhìn có thể mọi căn phòng Clutter đều giống nhau, nhưng thực chất không thể được sao chép bởi bất cứ ai; đó là giá trị khó có thể được tái hiện trong những phong cách nội thất khác.
Nếu bạn có ý định theo đuổi Cluttercore, nên nhớ căn phòng của bạn nên xoay quanh sở thích và nhu cầu của chính bạn. Tức là, hãy thoải mái thể hiện bản thân, luôn dành một không gian để trưởng thành và đừng bao giờ cảm thấy có lỗi vì điều đó.